Đôi điều suy nghĩ… Việc Nhà Nước can thiệp vào tôn giáo!!
tienducchauson
23/11/2014
Thời Sự Châu Sơn
254 Views
Đôi điều suy nghĩ…
Việc Nhà Nước can thiệp vào tôn giáo!!
Cả tháng nay, giáo dân Châu Sơn sống trong xôn xao dư luận lẫn phập phồng lo âu về câu chuyện nóng: việc nhà nước yêu cầu tháo bỏ 14 đường thánh giá đã được dựng lên cách đây vài tháng. Xôn xao, vì nghe tin chính quyền làm việc với Đấng Bản Quyền Giáo phận, gây áp lực, yêu cầu phải tháo gỡ đường thánh giá, mà ngay cả chính Đấng Bản Quyền cũng tỏ ra ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao chính quyền lại làm khó dễ GX Châu Sơn trong việc tôn giáo? Có lẽ, trong thế bị áp lực, ngài cũng muốn nhẫn nhịn “một sự nhịn bằng chín sự lành” để khuyên GX nên tháo gỡ, cho bầu khí ôn hòa tốt đạo đẹp đời.
Giáo dân phập phồng âu lo, vì sau đó, chính quyền lại làm việc với cha xứ và HĐGX với yêu cầu trên. Nhưng rồi, cha xứ cũng như HĐGX khẳng định, đây là việc làm đạo đức tự phát của giáo dân, chứ cha và HĐGX không có chủ trương làm việc đó, thành ra, việc tháo gỡ này không phải là việc của họ. Chẳng lẽ, giáo dân làm việc đạo đức tôn tạo trên núi Chúa, chúng tôi lại cấm đoán họ sao?
Thế là sự việc kéo dài trên cả tháng. Chính quyền muốn tự tay giáo dân tháo gỡ, nhưng phía giáo dân nghĩ rằng, nếu việc làm trên đồi Chúa là sai trái thì sai ở điểm nào? Bên phía Chính quyền cho rằng: việc dựng 14 tượng thánh giá trên đồi Chúa là vi phạm pháp luật, vì đồi 559 thuộc khu vực quân sự. Nhà nước không công nhận “đồi Chúa” là khu vực tôn giáo. Có một điều là, phía giáo dân chẳng có ai đại diện để lên tiếng tranh luận. Tưởng chuyện sẽ êm xuôi, vì xét thấy quyền tự do tôn giáo đang được nhà nước đề cao và luôn đưa lên hàng quốc sách, nên mọi người nghĩ là việc dựng tượng trên đồi Chúa đã ổn.
Nhưng rồi, nghe đâu, trưa thứ ba, ngày 18.11.2014, khoảng 12 giờ, phía Chính quyền đã âm thầm lặng lẽ, tự tay tiến hành tháo gỡ 14 đường thánh giá, và chở ra giao nộp ở Tòa Giám Mục. Sau đó, khoảng lúc 14 giờ, bên Chính quyền đã thông báo cho HĐGX về sự việc trên.
Giáo dân có vẻ bức xúc lắm! Và họ đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao khi tháo gỡ chính quyền không thông báo cho HĐGX và giáo dân hay biết? Tại sao họ lại làm việc không quang minh chính đại, mà hành động lén lút giống như kẻ trộm vậy? Việc tôn tạo xây dựng trong phạm vi đồi Chúa là một việc làm chính đáng của người giáo dân đạo đức, tại sao chính quyền lại dài tay xen vào việc nội bộ tôn giáo?
Là một giáo dân vừa là một công dân, sau khi nghe dư luận kể trên, tôi có một đôi điều suy nghĩ sau:
Xét về việc dựng 14 đường thánh giá là tái hiện lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ngày xưa, phải chịu vác thánh giá lên đồi Gogotha để bị đóng đanh, là một việc đạo đức rất có ý nghĩa đối với người giáo dân, để mỗi lần lên đồi Chúa có thể chiêm ngắm và suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa, làm tăng thêm lòng đạo đức. Xét về góc độ tôn giáo, đây là một việc làm tâm linh chính đáng, chứ không phải là việc làm vô bổ. Việc dựng 14 đường thánh giá này hoàn toàn nằm trong khuôn viên tôn tạo đồi Chúa, chính vì thế mà khi chính quyền áp lực bắt tháo gỡ 14 đường thánh giá, giáo dân không đồng thuận là có cái lý của giáo dân.
Phía chính quyền cho rằng, việc dựng 14 đường thánh giá ở đồi 559 Cư Ebur là vi phạm pháp luật, vì đây là khu vực quân sự, và nhà nước không công nhận đây là khu vực tôn giáo. Xét về chiều dài lịch sử, tượng Chúa đã được giáo dân dựng vào năm 1963 và được chính quyền VNCH trước 75 công nhận. Và nếu là đồi quân sự, thì độ cao với tầm quan sát tổng quát hơn, phải là đồi Cư Hưng…
Sau 1975, đồi Chúa vẫn được giáo dân xây dựng và tôn tạo đến năm 2000 mới bị nhà nước đình chỉ việc xây dựng tiếp những công trình mới, ngoài khu vực tượng đài, như dự tính dựng 14 đường thánh giá ở đồi Gogotha (bây giờ là hầm trú đóng của Bộ Đội, ở trước đồi Chúa). Qua 25 năm, giáo dân đã xây dựng và tôn tạo để có được một khu vực đồi Chúa với các lô “thổ cư”, nơi dừng chân nghỉ ngơi, san sát liền kề với các bậc tam cấp lên tượng đài một cách bề thế và không kém phần hoành tráng như ngày nay. Tại sao nhà nước lại bảo là không công nhận là khu vực tôn giáo được chứ?? Cho dù là nhà nước không công nhận, nhưng mặc nhiên đồi Chúa vẫn là điểm sinh hoạt tôn giáo hàng năm vào mỗi dịp lễ KiTô Vua, rất đông đảo giáo dân khắp mọi miền giáo phận đổ về đây, và thậm chí, đây là một trong những điểm hành hương của cả giáo phận BMT, mà không ai có thể phủ nhận được điều đó. Cư dân Tp BMT ai cũng gọi đó là đồi Chúa. Đồi Chúa, cũng còn điểm đến, được rất nhiều cán bộ công nhân viên chức nhà nước thường xuyên lên thăm thú, ngoạn cảnh.
Phải chi, là thời chiến tranh, thì nhà nước khắt khe, thắt chặt kỷ luật với tôn giáo như thế là điều có thể chấp nhận được, nhưng bây giờ đã là thời hòa bình, nhà nước nên để người dân tận hưởng những khoảnh khắc bình yên, sau hơn 125 năm chinh chiến, để họ sống với niềm vui tâm linh tôn giáo một cách trọn vẹn, thì tốt đẹp biết bao!!
Phía Nhà nước, những công trình quân sự ở phía dưới lưng đồi, như: tường cổng, nhà trú đóng, đồn canh… chỉ mới được nhà nước xây dựng mười mấy năm nay mà thôi. Xét về quá trình xây dựng, công trình quân sự của nhà nước có sau khu vực tôn giáo đồi Chúa một khoảng thời gian rất xa, gần 50 năm. Xét về mặt lô gic mà nói, thì, cái có sau không thể phủ nhận danh tánh được cái có trước được, đó là chưa nói ngược lại…
Chính quyền bảo: Việc dựng 14 tượng là trái phép, vi phạm pháp luật, vì không xin phép mà xây dựng. Theo thiển ý của tôi, 14 tượng thánh giá vốn đã được gắn sẵn chung quanh hành lang khuôn viên tượng đài Chúa lâu nay, bây giờ họ chỉ dời ra theo 14 cọc chôn, để đi đường thánh giá, ngắm nguyện trong khu vực khuôn viên. Thực chất chỉ là 14 cọc chôn, có thanh gác ngang đơn giản mà thôi, giống như thêm hoa lá cành cho một bức họa vậy, chứ có xây dựng bệ phóng, pháo đài chi đâu mà làm to chuyện lên. Chẳng lẽ, trong khuôn viên GX Châu Sơn muốn dựng tượng này, tượng nọ, khi nào cũng phải xin phép xây dựng hay sao? Bắt bẻ lý lẽ, cũng chỉ là chuyện chấp nhất, nhỏ nhặt vậy. Ví như bức họa của danh họa Picaso khi được trưng bày, ông muốn thêm râu, thêm tóc, ai có quyền cản trở ông đây?! Và khuôn viên tượng đài cũng giống như bức họa, nó thuộc quyền sở hữu tôn giáo của GX Châu Sơn, chính quyền không nên can thiệp vào nội bộ tôn giáo, nếu điều tôn tạo đó không trái với pháp lệnh tôn giáo. Tôi nghĩ, ở đây có sự hiểu lầm giữa xây dựng và làm đẹp thêm cho bức họa toàn cảnh đồi Chúa thêm màu sắc tâm linh và ý nghĩa hơn thôi. Ví như trên bàn thờ, có tượng này, hình kia, vậy thì thêm một tượng ảnh nữa, cũng đâu có gì là quá đáng, phải không ạ!! Miễn là tượng ảnh đó, không gây tác hại ảnh hưởng đến quân sự và chính trị.
Việc giáo dân đặt câu hỏi: Tại sao khi chính quyền tháo gỡ lại không thông báo cho HĐGX và giáo dân hay biết? Tại sao họ lại làm việc không quang minh chính đại, mà có vẻ như hành động lén lút giống như kẻ trộm vậy?
Theo thiển ý của tôi, việc tháo gỡ 14 đường thánh giá của chính quyền đúng hay sai, như tôi đã trình bày trên, nên miễn bàn ở đây. Chỉ biết, nếu Chính quyền quyết định tháo gỡ, thì tôi cho rằng, sở dĩ, chính quyền không thông báo cho HĐGX và giáo dân, cũng như phải tiến hành tháo gỡ vào những giờ vắng lặng, và tương đối an toàn để tránh một sự giằng co, đối đầu giữa giáo dân và chính quyền là giải pháp rất tế nhị, tránh những việc đáng tiếc xẩy ra, như những lần tai tiếng ở Thái Hà, Con Cuông, Tam Tòa…Theo tôi, chúng ta cũng nên thông cảm cho họ, chứ không phải như giáo dân nghĩ việc làm vụng lén, thì cũng tội nghiệp cho họ vậy.
Hành xử xong việc tháo gỡ 14 đường thánh giá, chính quyền chở thẳng giao nộp cho Tòa Giám Mục, sau đó thông báo cho HĐGX Châu Sơn biết. Kể ra, việc hành xử này của chính quyền là rất có văn hóa và người lớn. Nhưng việc chở 14 đường thánh giá ra giao nộp cho Tòa Giám Mục thì không phải cách một chút nào!?? Trong khi TGM không hề biết một chút gì về việc dựng tượng của giáo dân Châu Sơn, cớ sao lại giao trả cho TGM. Vô hình chung, chính quyền ám chỉ việc này do TGM sao? Lẽ ra, TGM không nên nhận số tượng này, mà phải nói với chính quyền giao trả lại cho giáo dân GX Châu Sơn mới đúng. Của Xêza phải trả lại cho Xêza…chứ!!! Ai lại làm cái chuyện “lấy râu ông này, chắp cằm bà nọ” như thế bao giờ.
Qua việc đáng tiếc này, tôi thiển nghĩ: Phận chính quyền nhà nước là quan phụ mẫu, là đấng bậc cha mẹ, nên tỏ ra bao dung độ lượng với con cái thì hay hơn. Ví như cha mẹ cho đứa con một chiếc bánh to đùng, nếu lỡ nó lấy thêm một cái kẹo mút nữa, thì cha mẹ cũng đừng vì thế mà giành lại của nó, khiến nó giận dỗi cha mẹ, và việc cho đứa con, dù là chiếc bánh to đùng, cũng sẽ trở nên vô nghĩa với nó. Ý tôi muốn nói là, Nhà nước đã để cho giáo dân xây dựng và tôn tạo được một khu vực tôn giáo bề thế và hoành tráng như thế, tại sao không để họ điểm tô thêm 14 đường thánh giá nữa cho đẹp, cũng là điều tốt thôi mà!!
Là bậc quan phụ mẫu của bách tính trăm dân, đừng vì một việc nhỏ mà đánh mất niềm tin nơi con dân, vốn đã nhiều nghi ngờ về việc nhà nước không thực thi đúng quyền tự do tôn giáo lâu nay, thì việc hành xử trên, cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly, đánh mất niềm tin của người dân vào Nhà nước là khó tránh khỏi.
Phải chi, Nhà nước cửa trên là bậc phụ mẫu, nhẫn nhịn con dân đi một chút, cũng chẳng tác hại chi đến an ninh trật tự làng nước, thì sẽ êm đẹp biết mấy! Quân dân cá nước cùng chung một lòng, đồng hướng về tiền đồ tương lai đất nước, mới là việc lớn đáng quan tâm.
Đôi điều suy nghĩ của một con dân cũng là một giáo dân, chỉ là mong muốn chia sẻ một chút tâm tình, nhằm làm nhịp cầu nối kết giải hòa người dân và nhà nước thân thiện lại gần nhau mà thôi.
Lời quê chắp nhặt dông dài (ND)
Luận bàn trái phải tỏ bày thiệt hơn
Nguyễn Vĩnh Căn – Một người con dân GX Châu Sơn