ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG… Phần III
tienducchauson
09/10/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
153 Views
ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…
Phần III
Đà Lạt được xem là một thành phố Châu Âu ở Việt Nam, vì được tạo hoá hào phóng ban tặng cho một miền đất: Có khí trời mát mẽ và trong lành. Có cảnh quan đồi núi trùng điệp và “cỏ non xanh tận chân trời” bao quanh phố thị. Có hồ nước long lanh, phản chiếu mây trời lãng đãng trông rất thơ mộng và lãng mạn. Có ngàn thông chấp chới trên triền dốc, thả hồn gió hát vi vu bốn mùa. Có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Thác Pren nước đổ trắng xoá không gian. Thũng lũng tình yêu nơi lứa đôi trai gái hẹn hò. Có Hồ than thở, Đồi cù, Sân Gôn, Trúc Lâm Thiền Viện, Dinh Bảo Đại, Vườn hoa TP khoe sắc màu tươi thắm…Ở đây, có tất cả những yêu cầu cho du khách thưởng ngoạn.
Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, được du khách trong và ngoài nước rất ưa thích để chọn điểm đến.
Và chúng tôi cũng không là ngoại lệ, để điểm đến thăm thú được chọn đầu tiên là thác Pren…Những năm đầu 2000 khi tôi đến đây, cảnh quan còn nghèo nàn đơn sơ lắm, chỉ là thác nước chảy le te vào mùa hè, chẳng có gì là thú vị. Nhưng bây giờ, thác Pren đã được thay da đổi thịt, khai thác sâu rộng vào bên trong với đồi thông gió hát vi vu.
Càng đi xuống các bậc cấp, các gian hàng trưng bày những đồ lưu niệm đẹp mắt và hấp dẫn người mua. Những sân chơi kề cận chạy dọc theo dòng chảy thác đổ, để cho du khách thưởng ngoạn trò chơi: Cưỡi voi một vòng giá 200 ngàn đồng, cưỡi đà điểu một vòng 100 ngàn đồng…chèo thuyền, bắn cung, cáp treo, cầu khỉ…thu hút được nhiều du khách nước ngoài, mà phần đa là người Nga.
Ở đây, cậu cháu tha hồ chụp hình lưu niệm. Cậu tôi có vẻ khoái cảnh quan đây lắm, và được ghi hình liên tục. Những tấm hình chụp một ông già với mấy đứa cháu trẻ, trông hồn nhiên giữa cảnh đất trời thác đổ. Thác Pren nghe có vẻ tiếng tăm, nhưng thực sự chỉ là một ngọn thác bình thường so với thác Pray Sap ở Daklak, một cảnh quan bề thế và hũng vĩ hơn nhiều.
Ra khỏi thác Pren để vào Thánh Mẫu, một điểm dừng chân mà có con cháu ở đó đang chờ sẵn, nhưng cậu báo trước là chỉ ghé thăm mà không phiền hà các cháu dùng bữa. Phải nói, lập trình của cậu tôi “đi chơi là đi chơi”chứ không vướng bận đến ai. Cái tinh thần độc lập và tự chủ này, hình như cậu tôi học được nơi người Âu, khi có 5 năm du học bên đó?!
Nhưng muốn vào Thánh Mẫu cũng phải đi qua TP. Với tôi, Đà Lạt chẳng còn gì lạ lẫm, nhưng lần này ghé qua, tôi cảm thấy mình đã có cái nhìn sai lầm về nó: một thành phố buồn và nghèo nàn, chỉ được cái mã là TP du lịch mà thôi. Quả thật, những năm 90 thiên niên kỷ trước, khi Ban Mê trổi dậy trong với cơn lốc vàng đen (cà phê) kinh tế thịnh vượng với hàng loạt xe dream Thái (4, 5 cây vàng) ngập cả TP, nhà cửa mái Thái, mái tây…rợp khắp trời Ban Mê, thì Đà lạt vẫn còm cõi với xe Bonus, Simpson…và thậm chí là xe hon da Đam 50. Nhà cửa còn nghèo nàn liêu xiêu trên những triền dốc, lưng đồi…Nhưng bây giờ cho dù Ban Mê là TP trực thuộc trung ương, thì cũng khó bì kịp TP cấp I Đà Lạt được. Thành ra, có người bảo: TP trung ương chẳng bằng cục xương thành phố Du lịch là thế đấy!
Quả thật, ngày nay Đà Lạt đã tự làm mới mình với: những nhà mái tây cấp 4, những tòa cao ốc đồ sộ, những công thự lịch lãm, những biệt thự cổ kính, những khách sạn sang trọng nguy nga, với hai mầu đậm nhạt (trắng đen) tương phản, làm cho thành phố vốn đã thanh cao lại càng thêm tao nhã…Và dường như tất cả đang thi nhau trăm hoa đua nở rợp trời thành phố. Một lợi điểm của Đà Lạt là, chỉ cần đứng trên triền dốc là có thể chiêm ngắm được toàn cảnh nhà cửa, phố xá mà TP muốn phô diễn. Điều đó cũng gây ấn tượng đẹp cho những du khách thăm thú thành phố.
Tuy nhiên, những nhà kính trồng rau và hoa san sát đã che mất tầm nhìn về những vườn rau, những luống hoa ngày xưa, khiến cho du khách có cảm tưởng như cả Đà Lạt, đâu đâu cũng nuôi gà công nghiệp (nhà kính giống trang trại nuôi gà). Đâu rồi những vườn rau, những luống hoa khoe sắc giữa trời thiên nhiên ngày nào?!!
GX Thánh Mẫu, cũng vươn mình lên cho kịp đà tiến của thành phố, nên cũng đã đổi thay diện mạo rất nhiều. Nguồn lợi chính của người dân là hoa và rau…Nhưng bây giờ làm vườn đã được cơ giới hóa bằng xe: xới, cày…hệ thống tưới tắm tự động. Những nhà kính được thiết kế rất bài bản, đem lại lợi tức cao, mà công sức bỏ ra ít.
Bảo Đại là điểm đến kế tiếp…Đây là một biệt thự được Kiến Trúc Sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó Thủ Tướng Chính Phủ, thiết kế trên một ngọn đồi trông rất bề thế với ngàn thông bao quanh, khiến cho du khách có cảm tưởng như tham quan một dinh thự cổ của Châu Âu.
Đối với tôi, Dinh Bảo Đại này không quá xa lạ, vì những năm 2000 tôi đã đến đây, khi đó hiện vật vẫn còn đơn sơ lắm! Mặc dầu dinh thự được xây gần cả trăm năm, nhưng hệ thống phòng ốc thiết kế rất lớp lang: từ phòng ăn, phòng ngủ nghỉ, phòng khánh tiết lễ tân, phòng vui chơi của nhà Vua, Thái tử, đến cung Hoàng hậu Nam Phương…bày biện những cổ vật: gấm vóc lụa là, những trang phục lễ nghi, máy điện thoại…kể cả máy xông hơi mà thời đó cũng đã có rồi.
Càng đi tham quan, càng ngưỡng mộ ông vua An Nam ta có con mắt tinh đời để tạo nên cái thú ăn chơi hưởng thụ khoái lạc trần gian, không chê vào đâu được. Quả xứng đáng là tay chơi sành điệu du học ở Pháp về. Mặc dù vua Bảo Đại không làm nên công trạng gì cho đất nước vào cái thời bình loạn đó, chí ít cũng có được một câu nói để đời: “Thà là con dân một nước độc lập, còn hơn là làm một ông vua của một nước bị đô hộ”.
Đi qua TP mà không vào chợ Đà Lạt, tưởng như chưa đến Đà Lạt vậy, bố bảo ai bỏ sót được. Chợ Đà Lạt ngày xưa nổi tiếng nhờ có chợ lầu, trong khi các Tp phố khác đang là chợ trệt…Bây giờ ở Ban Mê, chợ lầu mới xây, đẹp và khang trang, lớp lang hơn chợ Đà Lạt nhiều. Nhưng lượng khách đi mua sắm thì khó có chợ nào trên VN có thể sánh kịp.
Mà cũng phải thôi, chợ Đà Lạt ngoài mặt hàng áo quần, giày dép, khăn len…đồ mặc ấm độc quyền, thì còn có nhiều mặt hàng đặc sản: hoa, trái cây, mứt, kẹo bánh, cây cảnh, đồ lưu niệm…Nhìn chung tổng thể thì chợ khá sầm uất, bề thế, nhưng đi vào thực tế, chợ cũng đã xuống cấp nhiều, và thiếu sự bài trí đẹp mặt, nếu không muốn nói là bề bộn và phản cảm.
Ưu điểm của TP Đà Lạt là có được một hồ nước tọa lạc ngay chính giữa thành phố, làm cho bầu khí vốn đã thanh tao, có thêm không gian mặt hồ thoáng đãng, càng làm cho thành phố thêm thơ mộng và lãng mạn hơn.
Ngay cả hai chữ Xuân Hương cũng đã gợi cho ta cái tên của một “bà Chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương, khiến cho ta có cảm tưởng như TP Đà Lạt luôn sống trong hương sắc thanh xuân cuộc đời vậy.
Hồ Xuân Hương được ví như giải lụa xanh mềm mại, nhấp nhô sóng biếc chạy dài theo sân Gôn và dẫn đến vườn hoa TP.
Vườn Hoa Thành Phố có vị thế rất đặc biệt với Đà Lạt, bởi đây là nơi phô diễn trăm hoa đua nở với bát ngát hương hoa cỏ lạ. Đây cũng là nơi diễn ra “Festival Hoa Đà Lạt” hai năm một lần. Vì thế TP đã kỳ công đầu tư với một vòng tròn khép kín: ra và vào cùng một cổng chào. Nơi đây muôn sắc hoa khoe màu, mỗi cây mỗi hoa, mỗi loài mỗi sắc, chen lấn nhau dâng hương cho đời. Ở đây có đủ lạch nước, hồ ao, tạo cho cảnh quan vườn hoa tự nhiên bên những luống hoa rực rỡ khoe màu…Vườn hoa TP quả là rất đẹp, nhưng tổng thể vườn hoa có sự can dự của bàn tay con người vào việc xây dựng: lát gạch sạch bóng láng, và những làn phân cách bằng gạch đá, khiến vườn hoa sơ cứng, làm mất cảnh quan thiên nhiên của nó.
Về đến nơi Thiền Viện Trúc Lâm thì trời đã tối…nên đành phải lỡ hẹn.
Đi một ngày đàng tuy vất vả đôi chút, nhưng bù lại, được thưởng ngoạn biết bao cảnh quan kỳ thú, học được muôn vàn điều ý nghĩa… Dù nhọc nhằn thế nào đi nữa, cả nhà cũng không thể bỏ qua được bữa tiệc chia tay tối nay, để ngày mai hồi hương về lại Ban Mê. Thế là bao nhiêu tâm tình dâng tràn theo từng cốc bia, từng ly rượu, chảy theo dòng tâm sự nhỏ to không vơi cạn.
Có khi nhốn nháo lên chẳng còn ai nghe ai, khiến cha cậu phải lập lại trật tự: “Này các con, khi uống vào đừng to tiếng bao sân, đừng nói dài, nói dai mà thành ra nói dại. Trong cuộc sống có bốn điều nên tránh: Đừng tranh cãi với người say. Đừng tiếp tay với kẻ xấu. Đừng chiến đấu với kẻ liều. Đừng nói nhiều với người ngu. Hãy cảnh giác để, mình không phải là một trong bốn kẻ đó!!!”.
Đêm càng lúc càng hút sâu …Cuộc vui nào rồi cũng có khi tàn…Và một giấc ngủ ngon để lấy sức cho ngày mai về lại Ban Mê là thậm chí phải.
Khép lại một chuyến đi…
Xin cám ơn cha cậu và thầy trẻ thân thương!
Xin cám ơn bà dì thơm thảo và các em hiếu khách!!
Tất cả đã làm nên một chuyến đi đầy kỳ thú và ngoạn mục!!!
Quả là, “Đi một ngày đàng, bằng học muôn vàn sàng khôn”.
Cầu chúc cậu và thầy trẻ về lại quê nhà thượng lộ bình an.
Cầu chúc Dì và các em ở lại quê nhà luôn được hạnh phúc và an vui.
“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người,
Tạ ơn ai đã cho tôi cuộc sống này…” (Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
Ký sự một chuyến đi – Nguyễn Vĩnh Căn