Khiết tịnh vì nước trời
tienducchauson
07/08/2014
Chia sẻ lời Chúa
302 Views
Khiết tịnh vì nước trời
Độc thân khiết tịnh vì nước trời là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban tặng, là sự hòa hợp giữa tự nhiên và ân sủng. Theo Giáo Hội: độc thân khiết tịnh như một ân sủng thần linh, ân sủng này được ban cho ai thì không bởi công đức cá nhân nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa.
Tuy nhiên, bậc sống này đòi hỏi phải nổ lực tu luyện và cộng tác với ơn Chúa không ngừng. Xin Ngài hướng dẫn để nhận ra những yếu tố chủ quan, khách quan có thể gây thương tổn, tìm ra cách thế giải quyết để được bình an và trưởng thành trong bậc sống này.
1. Những thương tổn cho việc sống độc thân khiết tịnh vì nước trời
Thực vậy, bản chất của đức khiết tịnh là trung thành với trạng thái trong cuộc đời của một người. Do đó, trong hôn nhân, sống khiết tịnh là chung thủy với người bạn đời của mình. Với những người sống đời độc thân khiết tịnh (đời dâng hiến) là trung giữ các lời khấn hứa với Đấng mình đã chọn.
Tuy nhiên để giữ được điều này, ngoài nổ lực liên lỉ còn phải nhận ra đâu là những yếu tố chủ quan, khách quan có thể gây thương tổn cho đời sống độc thân khiết tịnh. Sau đây là một số yếu tố tiêu cực đó:
Thiếu trưởng thành giới tính hay tâm cảm: mọi vấn đề độc thân khiết tịnh đều trực tiếp hay gián tiếp từ đó. Khuynh hướng tính dục mạnh mẽ nhưng không làm chủ được có thể do say mê phim ảnh, sách báo, ca nhạc trần tục và lả lơi, lạm dụng rượu chè, những người nuôi dưỡng tình bạn quá ướt át với những người thân cận, đóng kín lòng với người khác, không biết đặt ra những giới hạn thích hợp, thích dùng những tiêu chuẩn trần gian để hướng dẫn đời mình…
Động lực đi tu: với một số người đi tu là cơ hội thăng tiến bản thân, “lên đời” về mặt xã hội. Vì thế trong môi trường tu trì, họ gặp nhiều cẳng thẳng bởi nếp sống kỷ luật. Có thể trong quá khứ, họ bị ảnh hưởng bởi thiếu tình thương, sống nghèo khó, đơn độc, trong môi trường có nhiều tiêu cực…
Ngoài những yếu tố trên, còn có những ảnh hưởng từ môi trường văn hóa xã hội. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối như “lên ngôi”. Các chủ nghĩa này làm cho người ta xem mọi sự đều tương đối, đồng thời đề cao cái tôi. Hiện tượng này len lỏi mọi nơi và dưới nhiều hình thức. Riêng Việt Nam, bên cạnh những nét truyền thống tốt đẹp như: nặng tình hơn lý, tình làng nghĩa xóm, gia đình, dòng tộc được đề cao, thì vẫn có nhiều ảnh hưởng xấu.
Thực vậy, trong những năm qua, Việt Nam hưởng nhiều lợi ích từ việc gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên mặt trái của nó là lợi nhuận được chọn làm tiêu chuẩn hàng đầu, kể cả lãnh vực tinh thần, tôn giáo. Lựa chọn này dẫn đến sự dấn thân tìm kiếm vật chất, vốn được coi là đam mê trong xã hội tiêu thụ hiện nay, là thái độ hưởng thụ. Lợi nhuận, tiêu thụ, hưởng thụ, kéo theo sự đam mê quyền lực, địa vị… Người ta sẵn sàng đạp bằng giá trị thần thiêng, gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống. Tình trạng này, nếu không cảnh giác những người sống độc thân khiết tịnh sẽ bị cuốn vào. Họ sẽ ngại hy sinh, chịu khó, thích tiện nghi, đánh mất thao thức tông đồ…
Bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam được hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, thúc đẩy kinh tế phát triển. Và đây là mục tiêu chính, chứ không phải để phục vụ con người, tìm kiếm những giá trị cao đẹp… Từ đó, người ta thường đánh giá con người qua công việc, thay cho những giá trị cao đẹp của sự hiệp thông, thiêng thánh nơi con người,
Sản suất và để tiêu thụ được sản phẩm, người ta tìm cách tiếp thị, quảng cáo. Điều này ta bắt gặp mọi nơi. Những hình ảnh, âm thanh của tiếp thị, quản cáo tràn lan, làm cho con người hôm nay như sợ thinh lặng, sợ đối diện với lương tâm và những thực tại vô hình khác. Hơn nữa những phương tiện truyền thông xem ra lại trình bày một lối sống không có Thiên Chúa. Vì thế, chiều kích mầu nhiệm, thiêng thánh bị những hình ảnh “kia” làm cho lu mờ.
Tại Việt Nam, những tác động tiêu cực của xã hội tiêu thụ còn bộc lộ rõ nét qua “bệnh thành tích”. Bệnh này là sự khác nhau giữa thật và giả, là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và thực dụng.
Tất cả những yếu tố trên đã ít nhiều làm thương tổn tới suy nghĩ, chọn lựa và họ sẵn sàng chạy theo những thực tại trần thế, không loại trừ những người sống đời độc thân khiết tịnh.
2. Một số gợi ý giúp người sống độc thân khiết tịnh được bình an và trưởng thành với những thương tổn ấy
Trên bình diện ân sủng và đức tin, độc thân khiết tịnh là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nhưng để sống được điều này quả là khó, đòi hỏi “đương sự” nổ lực và có một định hướng rõ ràng. Dưới đây là một số gợi ý góp phần phòng ngừa, chữa trị thương tổn cho những người sống độc thân khiết tịnh, giúp họ được bình an và trưởng thành:
Quan tâm và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh xã hội, phát huy những yếu tố tích cực do xã hội hiện đại mang lại, cảnh giác và phân định trong thời đại bùng nổ thông tin, truyền thông.
Luyện tập để có nếp sống quân bình về tâm lý, thể lý, đời sống thiêng liêng; sống khiêm nhường, không cậy vào sức mình, tránh dịp hiểm nghèo, hun đúc tâm hồn tông đồ với những thao thức và chương trình cụ thể.
Trung thành và thánh hóa công việc hằng ngày, vui thích sự cô tịch, sống quân bình có kỷ luật, cầu nguyện liên lỉ qua việc năng lãnh nhận các bích tính nhất là bí tích thánh thể, bí tính hòa giải, được xem là phương thế trọn lành thần hiệu giúp giải thoát ta khỏi tạo vật, kết hợp với Chúa và giúp ta nên giống Chúa hơn; tái khám phá nội dung đức tin và xin Chúa thêm ơn đức tin, để ta biết mình được Thiên Chúa yêu. Qua đó giúp ta biết tuyên xưng, cử hành niềm tin ấy.
Noi gương nhân đức của các thánh, nhất là Mẹ Maria. Vì Mẹ là Mẹ ta, là đấng bảo trợ, là mẫu gương đức tin . Gắn bó với Giáo Hội hữu hình qua các vị đại diện Chúa Kitô, xây dựng giáo hội.
Khổ chế: là cầm hãm các khuynh hướng xấu cả bên trong, bên ngoài như: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, đam mê, trí năng, ý chí, ngăn ngừa tính ham mê khoái lạc, kiêu căng, lười biếng… quy hướng về Thiên Chúa. Nhờ đó, ta thanh luyện được vết nhơ tội lỗi. Khi gặp khó khăn ta có thể gặp cha linh hướng, cha giải tội hay những người đạo đức khôn ngoan để được hướng dẫn.
Tin Mừng hóa giới tính: vui vẻ đón nhận những tặng phẩm Chúa ban, can đảm khước từ những gì ngược lại chương trình của Chúa: biết phân định, sống tiết độ và tĩnh thức.
Cộng đoàn huynh đệ: là nơi được nâng đỡ và thể hiện tình yêu, là nơi giúp ta học cách yêu thương, hiến thân phục vụ cách vô vị lợi, nơi trao cho nhau những tâm tình vui buồn…
Luôn xác định lại căn tính của mình “Tôi là ai?”, “Mục đích của tôi là gì?”… Đức Giêsu phải là lý tưởng, mục đích cho đời dâng hiến. Qua đó giúp ta đào sâu học hỏi Kinh Thánh, giáo lý để “say mê” Chúa hơn.
Tóm lại, sống độc thân khiết tịnh vì nước trời là một đặc sủng. Nhưng lối đi ấy thật lắm chông gai, thử thách, đòi buộc những ai sống bậc này không chỉ chiến đấu với những cam go để từ bỏ khoái lạc mang tính trần thế mà còn để phục vụ những niềm vui thánh thiện, bình an của nước trời. Đây chính là nhân cách của người thành toàn được ân sủng Chúa biến đổi.
Tất cả những điều này sẽ thành hiện thực khi và chỉ khi chúng ta chìm ngập trong tình yêu, ân sủng, trong tin yêu phó thác cho Thiên Chúa. Cũng là cách thế giúp ta chữa lành và tránh được những nguy cơ gây thương tổn cho đời sống độc thân khiết tịnh, trở thành men, muối cho đời. Được như thế ta mới thực sự hiểu và sống thực tại độc thân khiết tịnh vì nước trời.
Trung Dũng – ĐCV. Vinh – Thanh
Tài liệu tham khảo
-
Nguyễn Thái Hợp, Của, Để họ lớn lên (Nxb: Đức tin và văn hóa, 2007) Tr. 59-60
-
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Vững, Vì nước trời độc thân khiết tịnh, Nxb tôn giáo.
-
Philomena Agudo, Fmm, Ph.D, Ta Đã Chọn Con, n.d. Nguyễn Ngọc Bích, Ofm, Nxb Phương Đông.
-
M. Dolores, R.W. Gleason, A. Maslow, C. Rogers, Dâng Hiến Sáng Tạo, n.d. Ngô Văn Vững, S.J.
-
Lm Phạm Châu Diên, Tu Đức Học.
-
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đào tạo linh mục định hướng và chỉ dẫn, (Nxb Tôn giáo, 2012)
-
danchuausa.net
-
Đức TGM Timothy M. Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, n.d lm. Trần Đình Quảng, Nxb tôn giáo