TẢN MẠN CÙNG WORLD CUP
Đến hẹn lại lên.
Bốn năm một lần,một mùa WORLD CUP nữa lại trở về. Trở về như một cuộc hẹn hò thân thương ước định. Trở về trong nỗi mong chờ của cả nhân loại.
Vâng, cả hành tinh này đang nhốn nháo, đang lên cơn sốt bóng đá. Mọi con tim như đang lên đồng. Người ta đón chờ từng ngày trong nỗi hân hoan. Người ta đếm ngược từng con số thời gian trong sự phấn khởi. Người ta sửa soạn đón WORLD CUP như nỗi khát khao thèm quà của đứa trẻ mong mẹ đi chợ về.
Và muốn thưởng thức phần quà đó một cách trọn vẹn người ta cũng phải công phu chuẩn bị rất nhiều thứ. Nào là regler lại cái tivi cà rịch cà tàng cho nó ổn kẻo mỗi lần đang trong cơn sung sướng phải vỗ vỗ cho nó ra…hình thì chán vô cùng. Hay nào là phải coi lại đường dây điện kẻo nó mát bất tử. Hoặc coi lại cái cần angten cho nghiêm chỉnh để không xảy ra tình trạng “cờ đang dở cuộc không còn nước”. Nhất là phải thu xếp công việc trong tháng đâu vào đấy.
Người kinh doanh lo ổn định các hợp đồng, kẻ buôn bán lo sổ sách hàng hóa đầy đủ. Còn đối với các bác nông dân cũng phải làm sạch nương rẫy gọn gàng đàng hoàng nữa chứ. Có những kẻ còn chăm lo sức khỏe của mình bằng cách mua về hẳn vài ba thùng mì gói để bồi dưỡng trong những lúc mê man coi hai ba trận đấu liên tiếp. Có anh lại chuẩn bị ngủ bù trước cả tháng, bởi vì chúng ta luôn phải xemWORLD CUP vào ban đêm, làm bà xã cũng thấy lòng dạ nao nao (điều này có đúng y lý không nhỉ?).
Chẳng những mỗi người chúng ta tự trang bị những điều cần thiết cho bản thân mà chính quyền cũng đã xâm mình ký những hợp đồng truyền hình tốn kém hàng tỷ tỷ đồng để cho nhân dân được mãn nhãn trong dịp WORLD CUP thứ 20 này.
Rồi còn biết bao dịch vụ ăn theo. Tivi, anten, kênh truyền hình được dịp bán ra nườm nượp. Báo, lịch thi đấu được mua về treo khắp nơi trong nhà để tiện bề theo dõi những đội bóng mình yêu mến. Áo thi đấu, cờ quạt hay biểu tượng của các đội bóng bày bán nhan nhãn đầu đường xó chợ. Các tiệm coffee, các quán giải khát đua nhau trang bị màn hình khổ cực lớn để câu khách. Đúng là một trường sinh hoạt bát nháo vì WORLD CUP.
Với một đất nước thuộc vùng trũng trong bóng đá như ta mà còn nhốn nháo lên như thế huống gì những nước có nền bóng đá tiên tiến hay là những quốc gia trực tiếp tham gia vào WORLD CUP 20 này.
***
Với những dòng tản mạn này có lẽ chúng ta cũng nên dừng lại đôi phút để tìm hiểu vài nét về lịch sử của giải bóng đá WORLD CUP mà chúng ta sắp sửa được thưởng ngoạn:
Người đầu tiên có ý tưởng lập một GIẢI BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI là một người Pháp tên Jules Rimet. Ông là một nhà quản lý bóng đá. Năm 1928, ông và một số nhà quản lý bóng đá khác đã họp tại Amsterdam với nghị quyết tiến hành đều đặn GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI bốn năm một lần. Cúp này có vài lần thay đổi tên gọi như: Cup Jules Rimet hay GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI.
Giải lần đầu tiên được tổ chức tại Uruguay vào năm 1930 với 13 đội bóng tham dự và đây cũng là lần đầu tiên Uruguay vô địch.Trong suốt hành trình từ đó đến nay có hai lần bị gián đoạn đó là các năm 1942 và 1946 vì lý do thế chiến thứ hai. Tính đến năm 2002, các giải luân phiên nhau tổ chức ở Châu Âu và Châu Mỹ. Và Châu Mỹ( đặc biệt là Nam Mỹ) đã tỏ ra nhỉnh hơn Châu Âu, bởi chưa khi nào Châu Âu có thể vô địch trên đất Châu Mỹ. Và sau này,để mở rộng ra có tính cách quy mô toàn cầu, năm 2002 và 2010 GIẢI BÓNG ĐÁ VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI đã được tổ chức tại Châu Á(Nhật và Hàn Quốc) và Châu Phi (Nam Phi).
Các quốc gia đã từng vô địch GIẢI BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI cụ thể như sau:
– Brasil 5 lần ( 1958 – 1962 – 1970 – 1994 – 2002 )
– Italia 4 lần ( 1934 – 1938 – 1982 – 2006 )
– Đức 3 lần ( 1954 – 1974 – 1990 )
– Uruguay 2 lần ( 1930 – 1950 )
– Argentina 2 lần ( 1978 – 1986 )
– Anh 1 lần 1966
– Pháp 1 lần 1998
– TBN 1 lần 2010
Có điều cần lưu ý,chiếc cúp vàng mà ta thường thấy mỗi kỳ WORLD CUP là chiếc cúp phiên bản thứ hai trao luân lưu cho các đội vô địch.Còn chiếc cúp đầu tiên đã được trao cho Brasil vĩnh viễn vào năm 1970 sau ba lần đoạt cúp theo điều lệ quy định.
***
“Tôi yêu tiếng nước tôi,từ khi mới ra đời ,người ơi…
Mẹ hiền ru những câu xa vời…”
Vâng,chúng ta yêu tiếng mẹ đẻ từ rất sớm như lời nhạc Phạm Duy đã tình tự.Vì đó là điều thiêng liêng nơi mỗi con người.
Và đó cũng là một trong những điều bóng đá không thể so sánh, cho dù tín đồ túc cầu giáo tràn lan khắp mọi nơi và cuồng tín đến độ phát điên. Bởi lẽ, một bên là thể phách,còn một bên là tinh anh. Nhưng dù sao bóng đá cũng chiếm một vị trí quan trọng trên hành tinh của chúng ta. Bóng đá đã xâm nhập vào cuộc sống của con người từ rất sớm: ở mãi đâu tận bên Anh, ở mãi đâu tận bên Tàu và chắc chắn trong đám cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh cũng không thể thiếu những quả banh bưởi sau những buổi tập trận căng thẳng với thập nhị sứ quân.
Không tính đâu xa, chỉ ở Châu Sơn chúng ta thôi, bóng đá cũng đã xuất hiện từ những ngày mới lập trại. Ban đầu là những quả banh cam, banh bưởi hay những đùm giẻ cuộn tròn chơi bên đường hay trên những cươi đất. Thế mà cũng hào hứng ra phết.
Đặc biệt, phải vỗ tay khen ngợi các vị tiền bối của Châu Sơn ta đã lập nên một đội bóng đá rất kiêu hùng đá đâu thắng đó.Lên Trung Hòa đá cho Trung Hòa thua “ẻ kít”. Mời CHPI về đá cho CHPI chỏng vó. Mà CHPI là đội của đồn điền Tây, một trong những đội bóng mạnh của Tỉnh Daklak hồi đó.
Mà lực lượng có gì đâu? Có ai chỉ ai vẽ, ai tập ai tành cho đâu? Chỉ là do ông thầy Hoàn dụ khị rồi trở thành một đội bóng ngon lành. Một đội bóng có khi không đủ người vẫn đá thoải mái. Đá theo ngẫu hứng chứ chẳng biết chiến thuật gì cả. Thế mà vẫn hay mới lạ chứ !!!
Nói chơi chút thôi chứ cũng có chiến thuật cả đấy. Nhưng là chiến thuật “nghe rằng” hay được thầy Hoàn mách nước thôi. Chẳng hạn như chiến thuật W hay 1-2-3-5 khi mới khởi động sắp theo đội hình như thế nhưng đá một hồi thì tất cả cứ dồn theo trái bóng mà đuổi,cứ như là bóng đá tổng lực vậy. Biết đâu ông Rhinus Michel bắt chước các vị tiền bối nhà mình cũng chưa biết chừng. Chỉ tiếc rằng các vị ấy, kẻ thì đã đi buôn muối, người thì già rồi không thèm miếng đỉnh chung nữa chứ không đi kiện tiền bản quyền, tiền phát minh cũng kiếm được bộn xu.
Nhân tiện đây cũng xin sơ lược vài nét đan thanh về các vị ấy nhé.Nhớ được ai kể nấy chứ không theo thứ tự đâu.
-Thầy Nguyễn Thái Hoàn là thầy giáo, là đầu têu và là đội trưởng.Thầy trắng trẻo,thư sinh có lối đá kỹ thuật và nhanh như sóc. Có tầm nhìn bao quát của một đội trưởng.
– Ông Nguyễn văn Thể đậm ngang thể lực dồi dào, cày ải ngang dọc như con thoi. Nhìn ông liên tưởng đến một Đỗ Thới Vinh của đội tuyển Miền Nam.
– Anh Thành (Thọ) trẻ nhất đội, lối đá hào hoa nghệ sĩ ít tốn sức rất hiệu quả với những cú sút xa.
-Ông Lễ (Nôốc) thủ môn nhưng nhiều khi cũng lên tham gia càn lướt như một trung vệ.
-Ông Cao văn Nhung hơi nhỏ con nhưng có những cú sút rất uy lực cầm bóng chững chạc tổ chức tấn công tốt.
-Ông Trần Duy Thoan thân hình khá hợp với một trung phong chạy chỗ khá hay và biết cách làm bàn bất ngờ.
-Ông Liên (Tường) người mãnh dẻ nhỏ con nhưng tiềm tàng một sức khỏe tuyệt vời,chạy khắp mặt sân.
-Ông Phụng sức càn lướt rất đáng nể cho dù vóc người chỉ tầm thước là một trong những hậu vệ bền bỉ nhất đội.
-Ông Hoan (Hậu) mạnh mẽ nhiệt tình với thể lực dồi dào.
-Ông Lan (Hanh)
-Ông Tâm
Đây là toàn bộ đội hình của thời sơ khai. Một thời gian sau, khi đã trở thành đội bóng mang tên HỒNG LAM đội còn bổ sung thêm vài cầu thủ của Buôn Dung như Y Le hay Y Yăn. Kể từ đó như hổ thêm vây đội bóng của các vị tiền bối chúng ta đánh đâu thắng đó và đạt nhiều danh hiệu từ cấp huyện đến cấp tỉnh.
Chúng ta vừa đề cập đến bóng đá Châu Sơn thân yêu nhưng còn ở mức độ quốc gia thì sao? Ngày xưa bóng đá VNCH cũng oai hùng lắm đã từng vô địch SEAP GAMES 1959 và Merdeka 1966 và những danh thủ một thời lừng lẫy như: Rạng-Vinh- Ngôn –Thanh- Phụng hay Tam Lang-Rỏn-Há-Đực-Lâm Hồng Châu có lẽ vẫn chưa phai mờ trong tâm trí mọi người.
Nhưng tại sao các tiền bối đã làm nên nhiều điều kỳ diệu như thế mà đám con cháu ngày nay lại không làm được? Phải chăng con cháu ngày nay không có cái TÂM? Phải chăng con cháu ngày nay đang ở trong một ngôi nhà dột từ nóc? Chính vì thế mà câu hỏi: “BAO GIỜ CHO ĐẾN NGÀY… XƯA” luôn luôn hiện về trong tâm trí mọi người.
Ngài Vẫn Thế – (Mùa WORLD CUP 20)