NHÀ NƯỚC CẤM XE ĐỘ!!! CHÂU SƠN LÂM VÀO THẾ BẾ TẮC!!!

NHÀ NƯỚC CẤM XE ĐỘ!!!

CHÂU SƠN LÂM VÀO THẾ BẾ TẮC!!!

Phần I

Không biết có phải vì con đường vành đai đô thị hóa đi xuyên qua Châu Sơn, mà hệ lụy khốn khổ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân Châu Sơn, khi nhà nước cấm người dân sử dụng xe độ chế?! Trong khi trước đó, Thủ Tướng Chính Phủ đã ra quyết định 32: cấm xe chế độ lưu hành trên mọi tuyến đường bộ. Lệnh có hiệu lực bắt đầu vào ngày 01/01/2008. Ngày 21.01.2007 thôn 2 và 3 chúng tôi đã làm đơn kiến nghị: ĐƠN XIN PHÉP SỬ DỤNG VÀ LƯU HÀNH XE ĐỘ CHẾ. Sau đó, vào trung tuần tháng 2, Đài truyền Hình Daklak đã cử cô Nguyễn Thị Thu Hương và người ghi hình xuống tại hiện trường nương rẫy cà phê, lúc đó đang mùa tưới tắm để làm một phóng sự thực tế về sự đa năng của xe độ chế. Một tuần sau, phóng sự đó đã được phát chiếu trên Đài truyền hình Đaklak(DRD). Từ đó đến nay, xe độ chế được phép sử dụng và lưu hành. Vậy mà đến ngày 06.03.2014 này, nhà nước lại ra quyết định cấm xe độ lưu hành và bắt giữ, xem ra có vẻ bất cập?!!

Chúng tôi xin đăng lại ĐƠN XIN SỬ DỤNG VÀ LƯU HÀNH XE ĐỘ CHẾ.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC

***

ĐƠN XIN SỬ DỤNG VÀ LƯU HÀNH XE ĐỘ CHẾ

Kính gửi:

– Uỷ ban nhân dân Tỉnh Đaklak

– Uỷ ban nhân dân Thành phố BuônMaThuột

– Uỷ ban nhân dân Xã Cư Ebur

– Các cơ quan truyền thông báo, đài: VTVI, DRD

Gần đây, qua các phương tiện truyền thông báo, đài, chúng tôi được biết Thủ Tướng Chính Phủ đã ra quyết định 32: cấm xe chế độ lưu hành trên mọi tuyến đường bộ. Lệnh có hiệu lực bắt đầu vào ngày 01/01/2008.

Điều này đã tác động rất nhiều đến đời sống của người nông dân và gây bức xúc bất ổn trong công việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân chúng tôi.

Chúng tôi gồm một số hộ nông dân thuộc thôn hai và thôn ba xã Cư Ebur, kính gửi bức tâm thư này lên quý các cấp thẩm quyền, một số tâm tư và nguyện vọng sau:

Qua quá trình sản xuất nông nghiệp, người nông dân đã sử dụng các phương tiện giao thông đi lại gồm: xe bò, xe càng, xe độ.

Từ buổi đầu còn khó khăn nghèo khổ, người nông dân chúng tôi phải tận dùng sức trâu bò với xe kéo thô sơ. Xe bò là một phương tiện thô sơ của cha ông chúng ta ngày xưa còn lưu lại, nó đã trở nên lạc hậu với nền nông nghiệp hiện đại với tính cách: làm ăn lớn đại trà và cần nhiều kỹ năng của cơ giới hơn là cách làm ăn cò con của phương tiện xe kéo trâu bò.

Trải qua một thời gian dài, khi làm ăn khấm khá hơn, người nông dân chúng tôi đã mua sắm được các loại: xe cày, xe càng, thay xe kéo trâu bò, để nâng sản xuất lên một tầm cao mới.

Xe càng, xe máy cày lớn, nhỏ như Hinomoto, Kubuta… là một sự nâng cấp của người Nhật và Trung Quốc từ phương tiện thô sơ lên hàng cơ giới. Thực ra với phương tiện này, có lẽ, chỉ thích ứng với nền nông nghiệp của các nước ngoài hơn là nước ta. Vì họ tác nghiệp trên đồng ruộng, rẫy nương bằng phẳng, đại trà thì xe càng xe cày… rất hiệu quả. Ban đầu các phương tiện nầy cũng đã rất hiệu quả cho việc sản xuất màu mè nông nghiệp: Đậu, lạc, lúa, ngô khoai…Nhưng loại phương tiện sản xuất nông nghiệp trên: xe phải gắn thêm rờ móc đàng sau, chuyên chở rất yếu và đi lại quay trở rất khó khăn và bất tiện.

Và với địa thế nông nghiệp của nước ta – nhất là nông nghiệp miền núi của 5 tỉnh Tây nguyên, rẫy nương, ruộng đồng phần đa đều tựa vào núi rừng, đồi dốc, địa hình đường giao thông hiểm trở, phức tạp và đa dạng với: dốc đồi cheo leo, ngõ ngách hiểm hóc quanh co khúc khuỷ, nối liền với khe suối… lại tác nghiệp vào mùa mưa bão – mùa sản xuất nông nghiệp, nên đường sá trơn trợt, sình bùn lầy lội. Vì vậy xe càng, xe cày không hội đủ kỹ năng để đáp ứng những nhu cầu phát triển tác nghiệp mới của cây trồng công nghiệp nông thôn.

Sau một thời gian dài, người nông dân trăn trở tìm tòi, để cùng với các tay thợ rành nghề, sáng chế ra xe độ, ngày một cải tiến để hoàn thiện như ngày nay. Một loại xe rất hữu hiệu và tiện dụng. Chính loại xe độ chế đó, đã đóng góp một phần quan trọng trong công việc sản xuất cây trồng công nghiệp: cà phê, sao su, tiêu, điều, cây ăn quả…

Thực chất xe độ với những bộ phận chính: Hộp số, cầu, gầm, láp, nhông chuyền…là của các đời xe U Wắt, xe Ríp Bắc Kinh, Nam kinh, Mỹ…Được đưa vào tái sử dụng để chế ra một sản phẩm mới: xe độ, nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết với địa hình hiểm trở ở nông thôn nước ta, mà các xe càng, máy cày đều bất lực.

Xét về chất lượng, ngoài giàn đồng gầm thùng xe được làm mới cho vừa kích cở, thì các bộ phận chính của xe độ là chất lượng của các xe đã được các nước ngoài sản xuất và cho lưu hành, có lẽ chúng ta khỏi phải bàn đến. Với một chiếc xe độ chế, có giá thành từ 20 đến 30 chục triệu là rất vừa túi tiền với nông dân.

Xe độ cũng được các tay thợ rành nghề độ chế rất công phu từ: thắng, kèn, đèn, gầm thùng xe cao vừa tầm, để đáp ứng được mọi điều kiện tác nghiệp của nông dân, mà lại rất dễ sử dụng. Với hai cầu chuyển động, xe có thể chuyên chở hàng tấn hàng: cà phê, tiêu, điều, đậu, lạc, bắp…lên những dốc đồi cao khúc khuỷ trơn trượt, và cũng dễ dàng vượt qua ổ gà, vũng nước sình lầy vào mùa mưa…Nhờ thiết kế gọn nhẹ, nên xe có thể luôn lách vào các đường nhỏ hẹp, hiểm hóc ở các vùng rẫy mạc nông thôn.

Nó là một công cụ nông nghiệp rất tiện lợi, một công đôi chuyện: làm xe tải chuyên chở hàng, từ nương rẫy cà phê, tiêu, điều về nhà. Xuống khe suối lại tận dụng động cơ máy nổ máy để chạy bơm tưới tắm cây trồng…Về nhà có thể tận dụng động cơ máy nổ chạy Đinamô để xay xát đậu, bắp, cà phê…

Nó chung xe độ chế, tác nghiệp về sản xuất nông nghiệp là rất đa năng, hiệu quả và tiện dụng cho người nông dân. Hơn nữa, nó vừa phù hợp với túi tiền nông dân.

Về mặt an toàn giao thông trên đường lộ, nó cũng đã được độ chế để tiết giảm tốc độ vừa tầm. Có kèn báo hiệu, có đèn đóm hẳn hoi, có thắng bố như các loại xe ô tô an toàn.

Qua hơn 10 năm, xe độ đã được người nông dân sử dụng thuần thục và an toàn. Trong thôn Xã chúng tôi chưa có một trường hợp tai nạn chết người nào xẩy ra.

Xét về mặt an toàn, xe độ chế có độ an toàn hơn hẳn các xe càng, xe máy cày nhỏ Kubuta. Hinomoto…có rờ móc. Vì xe độ chế trang bị đầy đủ thiết bị và có sự chủ động hơn trong sự quay trở, lui tới…

Hiện nay xe độ đang là một công cụ sản xuất nông nghiệp đa năng và tiện lợi nhất cho người nông dân.

Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền, hãy về tận nông thôn làng xã chúng tôi, để mục thị tận nơi những kỹ năng tác nghiệp của xe độ chế tại hiện trường, mới có thể đưa ra những thẩm định xác thực, hơn là ngồi trên bàn giấy, để rồi định kiến với các loại xe độ chế- dĩ nhiên cũng có những loại xe độ chế kém chất lượng, nhưng với miền Tây nguyên, núi đồi chập chùng, chúng tôi không dại gì sử dụng loại xe kém chất lượng để rước hoạ vào thân. Vì xe độ là một gia sản lớn đối với người nông dân chúng tôi.

Trên đây là những ích lợi và tiện dụng của chiếc xe độ chế. Nhờ xe độ chế, mà trên 10 năm nay, người nông dân đã mạnh dạn để bung ra sản xuất đại trà với hàng chục mẫu cà phê, cao su, tiêu, điều, cây ăn quả, bắp, đậu…đã đem lại đời sống ấm no, sung túc và giàu sang, làm thay đổi cục diện cơ nghiệp: nhà cửa, thiết bị máy móc, đồ điện gia dụng trong nhà…làm cho đời sống người dân nông nâng cấp lên tầm cao mới, trong sự đổi mới và hiện đại hoá đất nước.

Xe độ chế ra đời, như một bước ngoặc làm thay đổi cục diện đời sống nông nghiệp

Bây giờ chỉ vì an toàn giao thông – một phương diện của cuộc sống – mà cấm người nông dân sử dụng xe độ chế, thì có phải là chặt đứt tay chân – tước đi nông cụ sản xuất, của người nông dân không!? Và điều này vô tình đưa đẩy người nông dân vào ngõ bí. Không có phương tiện nông cụ làm ăn, người nông dân làm sao sinh sống để có cái ăn cái mặc, chi tiêu trang trải, nuôi sống gia đình đây?

Điều này đặt ra vấn đề: Chỉ vì an toàn giao thông, mà cấm xe độ chế, khác nào bóp hầu bóp cổ người nông dân. Trong khi nhà nước chưa đưa ra được một phương tiện tối ưu nào cho nông dân, thì có phải là bức bách người nông dân chăng?

Chúng tôi đã thấy phương tiện truyền thông trên TV đưa ra quảng bá một số loại xe tải chuyên chở như Trường Hải… nhưng liệu loại xe này có đáp ứng được những kỹ năng yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp chăng? Chi ít là được như xe độ chế – có khả năng thích nghi với đường sá giao thông đồi dốc, núi rừng, khe suối hiểm trở nông thôn.

Những ưu điểm của loại xe tải này chúng tôi chưa thấy, nhưng trước mắt chúng tôi đã thấy được những nhược điểm của loại xe đó:

– Dùng xe đầu máy động cơ dọc như xe Trường Hải, sẽ rất bất tiện khi vào nương rẫy tưới tắm: không sử dụng trực tiếp bộ phận bơm tưới, cũng không sử dụng được Đinamo để chạy bơm điện. Về nhà không sử dụng vào việc xay xát được. Điều đó khiến người nông dân phải sử dụng thêm một phương tiện động cơ máy nổ khác nữa, vừa cồng kềnh vừa tốn kém thêm một khoan chi phí khá lớn.

– Xe Trường Hải với gầm cầu khung thùng cao, rất bất tiện cho việc bốc rỡ hàng hoá lên xuống. Làm tốn thêm công lao động. Bình thường một người nông dân có thể đi tưới tắm cây trồng:cà phê, tiêu điều… một mình, nhưng với xe tải Trường Hải thì phải mất đến hai đến ba người mới cho máy nổ lên xe hoặc xuống xe được.

– Và điều căn cốt nhất: xe chuyên chở Trường Hải với giá thành hàng trăm triệu đồng, là giá vượt quá mức túi tiền đối với nông dân nước ta. Thử hỏi: với giá thành như thế, nông dân chúng ta, mấy ai mua sắm được. Chẳng lẽ lại bắt những hộ nông dân trồng 5,3 sào cà phê lại phải mua đến hai phương tiện: xe tải, và máy nổ cả hàng trăm triệu hay sao?

Vậy mà khi chưa giải quyết được phương tiện sản xuất nông nghiệp thoả đáng cho người nông dân, nhà nước lại ra chỉ thị cấm cửa xe độ chế, thì có phải vô tình giết chết đường mưu sinh của người nông dân chăng?

Giao thông đường bộ, và giao thông sản xuất nông nghiệp là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Không thể giải quyết phiến diện cho an toàn giao thông đường bộ, mà lại quên không quan tâm đến giao thông sản xuất nông nghiệp là miếng cơm, manh áo của người nông dân. Đó là một quyết định hết sức bất cập, gây bức xúc cho người dân, khi nhà nước chưa giải quyết thoả đáng phương tiện nông cụ sản xuất cho người nông dân, lại áp đặt lệnh cấm xe độ chế lưu thông trên đường bộ.

Chúng tôi xin chuyển lên chính quyền các cấp bức tâm thư này, để các cấp cùng tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo hiện trạng bế tắc mà người nông dân đang phải lâm vào ngõ bí trong việc sản xuất nông nghiệp. Đồng thời kính mong quý các cấp sớm xem xét và đưa ra quyết định thoả đáng cho người nông dân chúng tôi. Bởi nông dân chúng tôi đang mùa tưới tắm: Cà phê, tiêu, điều, cây ăn trái…mà phải trốn chui, trốn lủi sớm khuya đi về, thì quả là rất tội nghiệp cho nông dân chúng tôi lắm thay!!! Đi làm ăn sản xuất, mà vụng lén như đi ăn trộm vậy.

Trong khi chờ đợi giải quyết, chúng tôi mong chính quyền các cấp cho nông dân chúng tôi được sử dụng xe độ chế đi lại giao thông một cách dễ dàng, để người dân chúng tôi an tâm sản xuất.

Chẳng lẽ khi chúng tôi không đủ tiền mua xe tải, để phải trở lại dùng xe bò hay xe càng, xe cày hay sao? Và như thế, lại phải thắt lưng buộc bụng làm lại từ đầu, để mua sắm xe càng, xe cày mà nhìn lại xe độ phải đem bán làm phế liệu!!! Thì có đau lòng cho nông dân chúng tôi không chứ!!!???

Quyết định cấm xe độ chế lưu thông trên các tuyến đường, quả đã làm khó cho người nông dân trong công việc sản xuất, để người nông dân chúng tôi phải quay về với phương tiện làm ăn lạc hậu cả hàng chục năm nay.

Và khi nền kinh tế nông nghiệp nước nhà lạc hậu tụt dốc, hậu quả kinh tế thất bát, suy sụp như một tai hoạ đổ lên đầu người nông dân chúng tôi gánh chịu, thì trách nhiệm này thuộc về ai: Quốc hội, Thủ Tướng Chính Phủ, hay Nhà nước???

Thưa quý các cấp. Trên đây là những giải bày nguyện vọng hết sức chân tình và tâm huyết của người nông dân chúng tôi. Rất mong được quý các cấp chính quyền xem xét, để giải quyết cho người nông dân chúng tôi được tiếp tục sử dụng xe độ chế trên các tuyến đường giao thông, trước khi nhà nước đưa ra hướng giải quyết thoả đáng, để nông dân chúng tôi an tâm làm ăn, và để nền kinh tế nông nghiệp nước nhà luôn được vững mạnh đi lên với khẩu hiệu nhà nước luôn hô hào: “Dân giàu nước mạnh. Xã hội văn minh, công bằng”.

Phần chúng tôi là con dân của Xã, TP, Tỉnh, cảm thấy rất buồn, vì bị đơn độc và lạc lõng trong sự cố cấm đoán trên. Đến các cấp chính quyền địa phương cũng làm ngơ trước QĐTTCP một cách lặng lẽ: chẳng có tiếng nói bảo bọc và bênh đỡ cho người dân. Con dân có sung túc, giàu có thì Xã, TP, Tỉnh mới cường thịnh lên được. Không phải bệnh đỡ nông dân trong trường hợp này là chống lại QĐTTCP, mà là bày tỏ cho các cấp lãnh đạo trên thấy được hiện trạng bi đát của con dân khi thực hiện QĐ 32 của Thủ Tướng Chính phủ, qua đó các cấp lãnh đạo hiểu, và thông cảm để có hướng giải quyết tháo gỡ cho người dân. Người xưa đã nói:“Con có khóc thì mẹ mới cho bú”, chứ quý vị cứ bình tâm như thế, thì làm sao cấp trên biết để mà giải quyết. Phép vua ngày xưa quyền uy là thế mà còn thua lệ làng nữa là…Đây là một nguyện vọng chính đáng: vì miếng cơm, manh áo của người nông dân, há lẽ cấp lãnh đạo lại làm ngơ sao đành.

Rất mong quý các cấp: Xã, TP, Tỉnh sơm góp tiếng nói giải bày lên các cấp lãnh đạo cho người nông dân chúng tôi được nhờ. Xin cám ơn quý các cấp rất nhiều.

Chúng tôi cũng rất mong quý báo, đài truyền thông rộng rãi, cho các cấp có thẩm quyền rộng đường dư luận về những bức xúc của người nông dân, để sớm giải quyết và tháo gở những vướng mắc cho người nông dân chúng tôi được nhờ.

Xin chân thành cám ơn quý báo, đài.

Xin kính chào quý các cấp có thẩm quyền và các cơ quan truyền thông báo, đài.

Thôn 2 và thôn 3 ngày 25/01/2007.

(Đơn này có chữ ký của một số đông người thôn 2 và 3, chúng tôi đã gửi qua đường bưu điện đến các cấp chính quyền)Chúng tôi sẽ đề cập về vấn đề này trong những bài sau. Rất mong quý bà con nông dân Châu Sơn ta đọc, hưởng ứng và tham gia góp tiếng nói vào vấn đề trên, như để phản ánh về sự bất cập của việc NHÀ NƯỚC CẤM XE ĐỘ!!! khiến CHÂU SƠN chúng ta LÂM VÀO THẾ BẾ TẮC!!!

Châu Sơn choa ghi nhận

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …