Cuối năm đi thăm thầy cô
Nhà giáo là một danh hiệu thiêng liêng và cao quý, vì sự nghiệp cao cả của nhà giáo là đào tạo những thế hệ con em cho tương lai đất nước và xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhà giáo cũng không kém phần bạc bẽo, vì khi còn đang tại chức dạy học, tiếng thưa hỏi chào thầy rân vang rôm rã, nhưng khi lui về hưu rồi, cuộc sống tuổi già quạnh quẽ, còm cõi mỗi ngày trong âm thầm quên lãng. Hình như cái quy luật nghiệt ngã của cuộc sống là, “qua sông quên đò, qua cầu rút ván” để người ta quên không biết rằng: Hôm nay mình thành danh, thành đạt, thành công và hơn hết là thành nhân, chẳng phải đều nhờ công ơn thầy cô đó sao?!!
Khi quý thầy còn tại thế, lời thăm hỏi đã thưa thớt, huống chi là ngày các thầy tạ thế. Thử hỏi, có được mấy ai quan tâm để tưởng nhớ đến thầy cô nữa không? Buồn thay, cuộc đời là dòng sông hờ hững, vô tình mang đi tất cả.
Phải chăng, vì trường xưa đã chẳng còn, nên các cựu học sinh Tiến Đức cũng đánh mất lòng biết ơn và sự thăm hỏi các thầy cô? Có thể có rất nhiều lý do, để chúng em lãng quên thăm hỏi các thầy cô trong cuộc sống thường ngày. Rất mong quý thầy cô lượng thứ cho. Và để bày tỏ tấm lòng của người học trò cũ đối với thầy cô, năm nay, Ban Đại Diện Tiến Đức quyết định đi thăm một số thầy cô tuổi già.
Như đã hẹn trước, Chủ nhật ngày 26/01/2014, BĐD Tiến Đức đã cùng nhau đến tặng quà cho quý thầy cô. Và cô Nguyễn Thị Chinh được mở hàng “xông đất” đầu tiên…
Đến nhà cô kêu cửa mãi không thấy. Đúng là “gái đồng trinh” kín cổng cao tường. So với tuổi 80, cô Nguyễn Thị Chinh vẫn còn nụ nằn và khỏe khắn, mặc dầu tóc đã bạc màu sương pha. Cô vui mừng, ra mở cửa và xởi lởi: “Chào các anh chị. Có chuyện chi mà các anh chị đến nhà cô vào cuối năm đây?”. “Nhà em đến thăm cô vào dịp cuối năm và chúc tết cô”. Cô tâm sự: “Cuộc sống một mình thảnh thơi, chẳng vướng bận ai cả”. Được hỏi: “Đêm một mình, có cháu nào đến ngủ với cô cho vui không?”. Cô bảo: “Trước mắt là chưa phải phiền đến các cháu. Cám ơn Chúa đã cho tôi cuộc sống an vui trong tuổi già”.
BĐD ngỏ lời trình tự (vào nhà thầy cô nào cũng mở lời trình tự này):
Chúng em là Ban đại diện cựu học sinh trường Tiến Đức năm xưa, năm vừa rồi, có mở trang web lấy tên là tienducchauson.net để giữ lại danh xưng của trường xưa, như một chút gì để nhớ về một thời quá vãng. Và gần đây, BĐD có thành lập Quỹ tấm lòng vàng, và đã được ân nhân trong và ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng ủng hộ quỹ, để tặng quà cho những người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn và khuyết tật. Chúng em đã thực hiện được hai lần tặng quà vào dịp: Giáng sinh và Tết. Nay năm hết tết đến, cuối năm, chúng em đại diện cho cựu học sinh Tiến Đức có chút quà thơm thảo gửi đến quý thầy cô, để bày tỏ tấm lòng biết ơn quý thầy cô đã một đời tận hiến cho sự nghiệp giáo dục cao cả. Rất mong quý thầy cô nhận cho một chút lòng thành.
Cầu chúc cô một năm mới an lành trong Chúa và Mẹ Maria.
Cám ơn các anh chị BĐD rất nhiều, vì còn nhớ đến thăm hỏi cô vào dịp cuối năm và còn cho quà tặng, thật cô không biết lấy gì để đáp lại tấm lòng của các anh chị đây. Khi được hỏi: “Nếu được ước mơ, cô có sẽ mong muốn điều gì?”. Cô cười trả lời: “Chỉ xin được về với Chúa thôi”. Một câu trả lời ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa của một người trọn đời trung trinh theo Chúa.
Đến thăm thầy Nguyễn Đình Hiệp. Ở tuổi 84, thầy lại vừa bị gẫy chân, cách đây 6 tháng, nên bây giờ phải nằm liệt gường, và khả năng phục hồi để đi lại là rất khó. Mặc dầu sức khỏe có yếu ớt đôi chút, nhưng sắc mặt thầy vẫn hồng hào, và cặp mắt còn tinh tỏ để nhận ra từng người trong BĐD. Thầy dạy những lớp đầu như các anh Đoàn Võ Trang, Nguyễn Văn Di, Chị Hương (Liễu), chị Thư (vợ thầy)…Một điều khá đặc biệt, đang học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) mà thầy dám cho học trò mình thi Tiểu học, và kết quả là đậu rất cao. Thầy không nói được nhiều, và nhờ cô Thư (vợ thầy) cũng là cô giáo dạy các em ở lớp 5 (bây giờ là lớp mẫu giáo) chia sẻ những tâm tình thầy trò ôn lại kỷ niệm xưa. Thật là hy hữu để BĐD thăm cùng một lúc được cả thầy và cô. So với tuổi già 70, cô Trần Thị Minh Thư vẫn còn “xoan lắm” với nụ cười tươi tắn và nói chuyện rất thân thương như cô trò ngày nào.
Khi được hỏi: “Đi gần hết đường đời, thầy có ước mong điều gì không?”. Thầy trả lời: “Tôi bằng lòng với những gì đã trải qua trong cuộc sống, để chẳng còn gì ước với mơ nữa”.
BĐD lại trình tự và với lời chúc tết: Cầu chúc thầy cô một mùa xuân an vui bên con cháu. Cầu cho thầy sớm hồi phục, và luôn bằng lòng theo thánh ý Chúa trong tuổi già. Thầy cô vui mừng đáp lại lời cám ơn và cầu chúc BĐD luôn an khang, thịnh vượng và nhiều may mắn trong năm mới.
Vào thăm thầy Nguyễn Văn Hồng. Ở tuổi 71, nhìn thầy vẫn chưa có dấu hiệu gì là tuổi già. Tuy dáng dấp thầy hơi đen đỉu, thế mà cuộc đời lại luôn sáng lạn: tiền vận thong dong (đời lính làm bên Quân tiếp vụ thì ấm quá rồi), tuổi già, hậu vận xem ra lại được an nhàn: có hai con gái đi tu Sơ, con trai vào Đại học sư phạm Hóa, dạy cua đông học sinh lắm! Cô nhà lại còn trẻ đẹp, duyên dáng. Bây giờ, mỗi ngày thầy nhàn nhã, ngồi chơi xơi nước, nhìn xe cộ qua lại trước nhà vui mắt. Nhất thầy rồi!! Đúng là thầy số sướng, chẳng cần phải bôn ba, mà phúc lộc vẫn tới.
“Với cuộc sống hiện tại, thầy còn ước mong điều gì nữa không?”. Thầy bày tỏ: “Tạ ơn Chúa đã cho tôi được cuộc sống như ngày hôm nay là hạnh phúc vượt trên cả mọi ước mong”.
BĐD lại trình tự và với lời chúc thầy: Chúc gia đình thầy một năm mới an vui và nhiều may mắn.
Thầy đáp lời cám ơn BĐD, vì đã nhớ đến thầy cũ mà đến thăm và tặng quà. Cầu chúc gia đình các anh chị một mùa xuân mới tấn lộc, tấn tài, tấn phúc. Thầy chia sẻ: đẹp thay tình thầy trò thân thương thủa nào. Đó là phần thưởng cuối đời cho tôi, khi có nhiều học trò cũ vẫn thường ân cần thăm hỏi tôi trong cuộc sống là mãn nguyện lắm rồi!
Trở xuống thầy Trần Duy Duyệt. Mặc dầu dáng thầy nhỏ nhắn, tóc bạc trắng ở tuổi 88, nhưng xem ra thầy còn khỏe khắn, rắn rỏi, và linh lợi lắm. Khi tới nhà, thầy đang còn đi uống nước mới xóm dưới. Gặp thầy, bạn Xuân (bà) đã chọc thầy: “Nhớ đến thầy khi nào, là nhớ đến chuyện “ngựa ẻ ra bạc”. Tôi phụ họa thêm: “Chuyện Thạch Sanh, Lý Bôn, Lý Bí…sao mà hấp dẫn đến thế!”. Chuyện thầy kể đã lâu rồi mà học trò cũ vẫn còn nhớ vanh vách, tưởng như mới hôm qua. Đó là nhờ cách diễn đạt chuyện kể của thầy quá ấn tượng, và đầy hấp dẫn…
Thầy vui vẻ bộc bạch: “Cảm thấy cuộc sống rất vui, khi được các anh chị học trò cũ luôn chào hỏi, thăm nom sức khỏe trong tuổi già và thấy thân thương như ngày nào. Năm nào cũng có lớp mời họp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa”. Khi được hỏi: “Thầy có ước mơ nào trong tuổi già không?”. Thầy trả lời: “Cuộc sống tuổi già như thế là an vui rồi, chỉ cầu mong luôn có sức khỏe để chăm sóc bà là được”. Ước mơ của những người thầy cô cũng thật dung dị.
BĐD một lần nữa lại trình tự và với lời chúc: Chúc thầy được luôn được an lành và dồi dào sức khỏe để chăm lo phục vụ cho bà nhà. Hiện vợ thầy đang đau ốm cảnh tuổi già.
Thầy cám ơn các trò, đã đến thăm thầy như một niềm an ủi cho tuổi già, và cầu chúc gia đình các anh chị an lành và gặp nhiều may mắn…
Chỉ một quãng đường ngắn là đến ngõ nhà cô Lục. Gọi cửa mãi, cô ra và hỏi: “Phái đoàn nào đây?”. “Dạ Ban đại diện Tiến Đức chúng em cô ạ!”. “ Nả, Đại diện lại điện dại nữa rồi”. Vẫn cái cách nói tưng tửng, nhưng không kém phần thân thương, dí dỏm. “BĐD đi mô đây?”. “ Dạ, cuối năm đến thăm cô với chút quà tặng ạ!”. “Nữa, lại “phú quý sinh lọ nghẹ”. Có chi mà phải quà tặng, dạy học thì lấy tiền rồi, còn nợ nần chi đâu mà tặng quà nữa đây?!”. “Thầy cô dạy học trò bằng cái tâm nhiệt thành, chứ tiền lương ăn thua chi cô”. Cô nói chuyện vui đáo để! “Mới cách đây hai tuần, có học trò cũ bảo: tết năm nay, bọn em sẽ đến chúc tết cô, vậy mà không ngờ lại ra đi trước tết mất rồi”. Đó là anh Bùi Quang Luyện đột tử cách đây hai tuần. Khi hỏi về tuổi, cô liền bảo: “Các anh chị đoán xem tôi năm nay bao nhiêu?”. Người cho rằng 76, kẻ 86, 80…Cô bảo: “Đừng có mà nói càn tầm bậy, cô 82 tuổi…”.
Vậy mà khi chụp hình, cô xua tay, để cô mặc áo mới đã chứ, ai lại mặc tuềnh toành như thế mà chụp hình. Mặc áo đẹp xong, lại còn “đỏng đảnh” chải đầu soi gương như o con gái nữa trời ạ! (già rồi mà con làm le dữ đa). Tính cô Lục là thế, ăn nói thì tếu táo…nhưng chụp hình thì phải ăn mặc đàng hoàng. Đúng là nhân cách của một cô giáo.
Cô cứ mãi xoắn xít, các anh chị thật quý hóa để làm nghĩa cử đi thăm thầy cô trong dịp tết, làm cho cô thấy cảm động và ấm lại nghĩa tình cô trò. Xin Chúa trả công bội hậu cho anh chị vậy. Cô Lục còn kể lại tâm nguyện của cô sau khi tu ra, về dạy học theo nhu cầu của GX, nhưng ý cô là muốn kêu gọi tu sinh. Những năm tháng dạy học, mỗi sáng thứ hai cô dành riêng cầu nguyện cho học trò mà nhận cô làm thầy, chứ không phải là những người quan niệm cô là người buôn chữ, và mong các trò cầu nguyện cho thầy cô luôn được mạnh khỏe và luôn ý thức trách nhiệm nhà giáo. Cuộc sống của cô đơn côi, ít người thân, nên khi chết mong được mọi người thân thương đến giúp đỡ cho ấm lòng. Và mọi sự phó thác trong tay Chúa và chỉ xin cho được ăn mày chết lành. Bạn Trình đùa tếu: “cô cứ yên tâm mà chết, chúng em sẽ đến đưa tang cô mà, lo chi. Chết lành thì được, nhưng đừng xin ăn mày chết lành, nghe tội lắm cô ơi!”. Cô bảo: “Phải ăn mày mới có được chết lành chứ!”. Bạn Hy cảnh báo: “Chưa biết ai đưa tang ai đâu nha. Hãy xem bạn Luyện đấy!”. Cô trò cười xuê xòa, vui cả làng.
Người cuối cùng là thầy Trần Đức Thiện. Khi BĐD đến thầy đang còn chăm chút cho hoa cảnh ngày tết. Đúng là cả một vườn hoa khoe đủ sắc màu tươi thắm. Tôi bảo, “Khi trẻ có sức thì không biết mà chơi hoa, bây giờ già rồi thì sức đâu mà chơi hoa nữa thầy…”. Thầy cười: “Chơi được chừng nào thì chơi, chứ ai bắt phải chơi hết sức đâu mà lo…”. Nhắc về thầy, khi nào tôi cũng nhớ đến kỷ niệm ngày xưa , thầy tập hát cho lớp bài hát: “Rủ nhau lên ngõ ông trời, để ta kêu ca đôi lời. Bao nhiêu anh hay quấy, bao nhiêu anh hay vòi. Xin trời phạt mười roi. Xin trời phạt mười roi”. Mục đích là để răn đe những đứa học trò lười và quậy phá.
Dù ở tuổi 78, nhưng tính thầy vẫn luôn vui vẻ, trẻ trung, thích chọc ghẹo, tếu táo một cách dí dỏm, nên ai nói chuyện trò với thầy cũng thấy thân thiện. Thầy cũng cảm kích và bày tỏ: rất vinh dự khi được BĐD đến thăm và tặng quà cuối năm.
Nhân chuyện vãn tếu táo, có bạn hỏi: “Nhà Đa năng do thầy làm “Tổng công trình sư” đã xong chưa thầy?”. “ Sao lại phong cho tôi chức chi to lớn thế, tôi chỉ là người đến cho có mặt thôi mà. Nhà Đa năng kể cũng tạm ổn rồi”. Có bạn hỏi đùa: “Nghe nói thu vào 8 tỷ của dân, mà chỉ xây hết có 4 tỷ, thừa tiền có trả lại không thầy?”. Thầy cười: “Thu vào thì dễ, mà ra thì khó lắm! Không làm việc này cũng làm việc khác chứ ai lại trả lại? “Thế mới biết Ban công trình ăn to thật!”. “Cha ông ta nói có sai đâu: Làm lớn ăn lớn, làm nhỏ ăn nhỏ, như chúng ta, không làm lấy chi mà ăn?!!”. Thầy bảo: “Chẳng là các anh chị đang làm lớn bên Tiến Đức Châu Sơn, sao lại bảo không ăn lớn?”. “Thế là hòa nhé!”.
Cuối năm thầy trò vui vẻ tếu táo một chút thôi, chứ các bạn đừng hiểu lầm ăn uống chi đây nha!
Nói chi thì nói, cũng không quên chúc tết gia đình thầy một năm mới an lành và nhiều may mắn, lắm niềm vui…
Thầy cám ơn BĐD rất nhiều, đã nhớ đến thầy cô vào dịp cuối năm, là một niềm vui cho chúng tôi. Cầu chúc gia đình các anh chị một năm mới tràn đầy ân sủng và bình an trong Chúa.
Khép lại chuyện “Cuối năm đi thăm thầy cô”, BĐD nhận thấy tình cảm thầy trò vẫn còn thân thương và trìu mến như ngày nào. Điều đó, càng làm cho chúng tôi quý mến các thầy cô hơn. Hình ảnh đẹp của nhà giáo, một đời tận tụy và tâm huyết với học trò ngày nào, vẫn còn mãi trong tâm tưởng chúng tôi.
Đẹp thay! Hình ảnh người lái đò năm xưa…vẫn còn mãi lưu luyến trong ký ức mỗi cựu học sinh Tiến Đức.
Ghi nhận BĐD Tiến Đức Châu Sơn
Tieu sieu
Tinh cam thay tro ngay xua sao ma than thuong va dep the! Chang bu cho ngay nay, thay tro chang con nghia tinh va dam tham nua. Phai chang vi thay co buon chu, nen nghia tinh khong con luu luyen voi tro!!???
Chung toi rat hoan nghenh viec lam di tham thay co cuoi nam cua BDD. Day la mot viec lam bieu lo nghia tinh voi thay co. Chung ta the he truoc, nen lam viec tham thay co de con chau chung ta noi theo.