"Không nên bỏ hoặc gộp Tết ta vào Tết tây"

“Không nên bỏ,

hoặc gộp Tết ta vào Tết tây”

 – Sau khi nhiều độc giả bày tỏ đồng tình với ăn Tết tây, bỏ hoặc gộp Tết ta vào Tết tây, có hàng trăm ý kiến gửi về báo VietNamNet không đồng ý với suy nghĩ này. 

tet 4“Nói tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, thì xin thưa tết dương lịch cũng không phải của Việt Nam nốt”, một độc giả nêu ý kiến.

Khi Tết “tây” vừa qua, Tết “ta” sắp tới, một lần nữa vấn đề có nên duy trì song song hai tết này hay “quy về một mối” lại trở nên nóng. Trong vài ngày vừa qua, diễn đàn Tết ta – Tết “tây” của Tuần Việt Nam dù mới khởi đăng nhưng đã có hàng trăm ý kiến gửi về.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ tết ta, quy về chỉ ăn tết tây. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng tết ta là cổ truyền, linh thiêng của dân tộc, không thể bỏ. Tuần Việt Nam xin đăng tải một số ý kiến để độc giả cùng suy ngẫm và thảo luận.

Tết ta đã nhạt, lại phiền hà

Đa phần các ý kiến đồng tình việc bỏ tết ta tập trung vào các lý do: Cách ăn Tết ta hiện nay quá sa đà, nhạt nhẽo, lại gây lãng phí, tốn kém…Vì vậy bỏ Tết ta là một chuyển biến lớn, góp phần đưa Việt Nam hòa nhập với thế giới, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân, nhà nước.

Tôi ủng hộ ăn Tết theo dương lịch và nghỉ Tết dương lịch kéo dài 1 tuần như tuần lễ Giáng sinh của phương Tây, hòa nhịp sinh hoạt chung của thế giới phát triển, còn Tết ta co lại 1-2 ngày thôi, coi như một ngày lễ truyền thống giống như các lễ hội truyền thống khác” – Độc giả Văn Cường.

Chung quan điểm trên, độc giả Hải Yến cho rằng: “Thế giới nghỉ Tết dương lịch, và phải chờ Việt Nam nghỉ xong Tết âm lịch mới có thể liên lạc và làm việc được. Trong khi đó nghỉ tết của họ rất ngắn và không nặng nề, vì thế người thiệt là chính Việt Nam“.

Cần thay đổi để tránh lãng phí, tránh tệ nạn ăn nhậu kéo dài bê tha đến hơn một tháng mà không làm được gì” – độc giả tại Email Thvl…@gmail.com.

Độc giả ở Email Hoang.hh@… cho rằng Việt Nam có thể đổi sang ăn Tết theo dương lịch vì có nhiều ưu điểm: “Rút ngắn được thời gian và chi phí nghỉ lễ, có lợi cho doanh nghiệp và cơ quan, các cá nhân có nhiều thời gian làm việc hơn; Đồng bộ với lịch nghỉ lễ với hầu hết các nước trên thế giới“.

Độc giả ở Email Duccanh…@yahoo.com cho rằng Tết ta là một thói quen lạc hậu của thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu. Do vậy, độc giả này kêu gọi “Hãy từ bỏ những thói quen đủng đỉnh từ từ, ăn chơi lãng phí vô bổ đi, hãy bỏ ngay chủ trương nghỉ tết kéo dài đi để nhân dân đỡ khổ“.

Chỉ nên ăn Tết dương lịch thôi, Tết âm lịch đã gây phiền hà quá. Chỉ nội chuyện là phải chịu đựng sự tăng giá vô lý ở các khu vực công cộng vào dịp Tết cũng đủ bực mình” – độc giả tại Email Lpquang…@yahoo.com.vn.

Độc giả ở Email Quocdungtp30@… ủng hộ ăn Tết dương, vì “Tết âm lịch đang trở nên nhạt nhẽo và như một gánh nặng. Ngày xưa khi đời sống còn thấp, mức độ hội nhập thế giới còn hạn chế, thông tin, đi lại khó khăn thì tết là dịp để mọi người gặp gỡ, hỏi thăm nhau… chứ giờ mỗi lần tết đến lại thấy trống rỗng, mệt mỏi”.

Việt Nam chúng ta đã chơi và chơi quá nhiều rồi, cho nên cứ càng ngày càng tụt hậu chính vì cái cổ hủ và thiển cận đó. Các bạn hàng ngày thử ra ngoài đường xem, người ngồi chơi chém gió, người đánh cờ, các quán cafe thì đông nghịt, v.v…” – độc giả Nguyễn Tuấn Anh nêu vấn đề.

Nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa, một số độc giả cho rằng việc chọn ăn Tết tây còn là cách thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Trung Quốc, nhằm xác lập một tư thế chủ động hơn về văn hóa cho Việt Nam.

Độc giả tại Email …2005@yahoo.com nêu ý kiến Nhà nước cần tính đến việc thay đổi tập quán ăn Tết theo lịch âm, bởi  “ngoài những điều tốt đẹp, ích lợi mang lại cho đất nước và con người Việt Nam, chúng ta còn từng bước tách ra khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc“.

Độc giả ở Email ….1982@gmail.com cũng cho rằng việc chuyển sang Tết dương lịch sẽ là một cơ hội tốt để nước ta: “Thoát ảnh hưởng của Trung Quốc vốn lạc hậu hơn phương Tây; Xử lý thói quen tiểu nông lè phè ăn chơi suốt thời gian Tết âm lịch hiện còn tồn tại trong rất nhiều người Việt, kể cả các công chức.

“Tết cổ truyền hay các ngày tết trong năm mà ta vẫn đang theo cũng là từ văn hóa, tập quán của Trung Quốc du nhập vào, nếu có bỏ mà sử dụng theo tết chung của thế giới thì cũng chỉ là thay đổi một thói quen lâu đời mà thôi” – độc giả Nguyễn Kiên.

tết1 
Có thể bỏ ngày tết cổ truyền dân tộc? Ảnh minh họa

Tết ta là hồn cốt dân tộc, không thể bỏ

Tuy nhiên, không ít độc giả phản đối khá gay gắt quan điểm cho rằng nên bỏ Tết ta. Quan điểm của các độc giả này xuất phát từ các nguyên nhân như: Tết ta đã là ngày lễ cổ truyền, thấm vào văn hóa ngàn năm của dân tộc, sao có thể bỏ được. Hơn nữa, ở khía cạnh kinh tế, Tết ta cũng là dịp kích cầu, có lợi cho doanh nghiệp.

Độc giả tại Email: ….thanh@gmail.com cho rằng: “Tết ta là cái hồn cốt của cả một dân tộc tại sao lại bỏ . Không phải cái gì ta cũng phải theo tây. Tất cả các nước đều có ngày tết truyền thống riêng của họ nhưng họ vẫn phát triển tốt đó thôi!“.

Theo độc giả tên Tuấn, tín ngưỡng của người Việt đều dựa theo lịch âm, kể cả thờ cúng Tổ tiên đến các dịp lễ khác. Vậy “các ngày lễ này chuyển sang ngày dương thế nào đây, còn ông Công ông Táo, lễ hạ cây nêu, v.v… rồi nhiều nhiều cái nữa?”.

Công dân các nước khi cư trú ở nước mình họ còn phải tạo ra một bản sắc văn hóa của họ ở nơi mình, để không mất cái nền văn hóa của họ. Vậy tại sao mình là con rồng cháu tiên lại làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có và thiêng liêng của mình” – độc giả tại Email… thanh@gmail.com.

Theo độc giả Trần Khánh Dung: “Đừng lấy cái “hiện đại, hòa nhập”… gì gì đó để giết chết những ngày tết cổ truyền tuyệt diệu của dân tộc“.

Còn độc giả tại Email Micalone…@yahoo.com bình luận “Việt Nam là một trong những nước có số ngày nghỉ lễ trong năm ít nhất. Vì thế đi làm cả năm nghỉ được 3-7 ngày về quê thăm ông bà cha mẹ để con cái biết thế nào là làng quê VN là đáng mừng rồi. Lấy đâu ra chuyện nghỉ gần 2 tháng để ăn lễ hội như một số người nói“.

Độc giả Phạm Minh Tân cho rằng: “Tư duy đủng đỉnh phụ thuộc vào nhiều thứ chứ đâu phải ăn Tết ta; Người dân càng được nghỉ nhiều càng kích cầu tiêu dùng, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển…“.

Độc giả Vũ Văn Tuyến thì quan niệm tết chẳng qua cũng chỉ là một khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi. “Xã hội phát triển người ta phải tìm mọi cách để kích cầu, do đó từ làm việc 6 ngày/ tuần còn 5 ngày/tuần, Tết từ 3 ngày tăng lên 5 ngày. Phương Tây họ cũng dành thời gian tương đối dài để nghỉ ngơi nều tính từ Noel đến hết ngày 1 có 8 ngày có “kém” gì ta đâu” – độc giả này nhận định.

Độc giả Nguyễn Hương chia sẻ kinh nghiệm ăn tết ở nước ngoài: “Ở nước ngoài các văn phòng, thậm chí của Chính phủ, vào dịp Noel, Tết tây, số người làm việc chỉ còn 1/3, 1/4 so với bình thường. Họ còn “được” xin nghỉ vào thời gian này 2, 3 tuần thì sao?“.

Từ góc độ kinh tế, độc giả Nguyễn Huy Vinh chỉ ra khía cạnh tích cực của Tết ta: “Ngày tết lượng hàng hóa tiêu thụ thường tăng đột biến, như vậy là kích cầu, tạo thêm việc làm; Ngày Tết ta là một dịp lễ hội, ta chơi nhưng những người làm du lịch lại kiếm được tiền“.

Đối với ý kiến cho rằng nghỉ Tết ta “lệch pha” ảnh hưởng đến việc làm ăn, độc giả tại Email …1402@yahoo.com lại quan niệm: “Tây đến ta thì phải chấp nhận phong tục của ta. Đừng cái gì cũng lấy nước ngoài ra để làm quy chuẩn“.

Quan trọng là cách ăn tết, tội đâu ở Tết ta hay tây

Một số độc giả cho rằng việc ăn Tết ta hay Tết tây không quan trọng, vấn đề chính là cách ta ăn Tết. Lãng phí, không hòa nhập là do chính chúng ta, chứ không nên “đổ tội” cho Tết.

tet 2Độc giả tại Email Kaka12@… cho rằng: “Nói tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, thì xin thưa tết dương lịch cũng không phải của Việt Nam nốt“. Cũng theo độc giả này: “Nước ta kém phát triển là do con người chứ đừng đổ tội lên cái tết cổ truyền của ông cha ta“.

Người Trung Quốc có phải bỏ Tết âm lịch đâu mà họ cũng giàu đấy thôi. Hơn nữa nếu chúng ta cứ quản lý nghiêm túc nghỉ Tết đúng số ngày quy định thì sẽ không ảnh hưởng gì. Chúng ta đang không làm chủ được mình nên đành phải đem di sản tốt đẹp của ông cha ra xét lại sao?” – độc giả tên Nam.

Theo độc giả Sơn Trần, “Vấn đề là chúng ta sử dụng thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi hiệu quả như thế nào. Chứ cứ như hiện tại ở Việt Nam mà theo Tây cũng chẳng cải thiện được là bao“.

Cái cần điều chỉnh là cách chi tiêu tiền bạc và sử dụng quỹ thời gian trong dịp Tết, dù là Tết tây hay Tết ta, chứ không phải là xóa bỏ, là sáp nhật hai cái Tết như thế!” – độc giả Nguyễn Thị Yến chỉ ra.

Hải Tâm (tổng hợp)

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …