Hãy vui trong Chúa Trời!!
Cho đời thắm một niềm vui!!!
Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng năm A
Is 35,1-6a.10 ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11
Hôm nay, chúa nhật thứ ba mùa Vọng, phụng vụ lời Chúa nhấn mạng đến niềm vui. Ngay trong quy định màu áo, phụng vụ hôm nay cũng cho phép có thể mặc áo màu hồng để diễn tả niềm vui đó. Lời ca nhập lễ không chỉ mời gọi mà còn cho biết lý do của niềm vui: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! (bởi)… Chúa đã gần đến” (x. Pl 4,4-5). Các bài đọc không chỉ hướng chúng ta đến niềm vui “vì Chúa sẽ đến”, nhưng hơn thế, cả ba bài đọc dẫn chúng ta đi vào những khía cạnh sâu thẳm của niềm vui.
1. Tại sao Chúa đến lại vui? Lý do thật đơn giản! Trong bài đọc một, dân Israel vui mừng vì Chúa sẽ đến để chở che và giải thoát dân. Thiên Chúa sẽ hành xử một cách công minh và sẽ cứu giúp dân thoát khỏi áp bức: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, Ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội. Chính người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35,4). Ngài sẽ làm tiêu tan những đau khổ, chữa lành những thương tích và hóa giải những hận thù của dân tộc. Sự hiện diện của Chúa sẽ mang lai sự bình an đích thật.
Và lời tiên báo của Isaia trở thành hiện thực nơi con người Giêsu. Trong bài Tin Mừng, Chúa khẳng định rằng Ngài là Đấng phải đến, khi cho các môn đệ Gioan tẩy giả thấy những dấu chỉ khi xưa Isaia loan báo thì nay được thực hiện: “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11, 5). Thực ra, đó chỉ là những dấu chỉ dẫn người ta đến một thực tại sâu xa hơn, vốn là lý do chính, khiến Phao lô phải hối thúc “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. Thực tại đó chính là: thời của Đấng Messia đã điểm, thời của ơn cứu độ đã đến. Chúa đến không phải chỉ để chữa người ta về bệnh hoạn tật nguyền thể lý. Chúa đến để giải thoát người ta khỏi ách thống trị của tội, chữa lành những thương tích, di lụy của sự bất trung. Chúa đến để công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và phục hồi tư cách làm con của con người.
Đó phải là một niềm vui lớn lao không gì sánh nổi của Kitô hữu!
2. Sống biểu lộ niềm vui là một trong những đặc điểm rõ nhất của một Ki tô hữu đích thực.
Thánh Phao lô rất nhiều lần mời gọi kitô hữu sống niềm vui này: hoa trái của Thánh Thần là niềm vui (Gl 5,22); Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống nhưng là công lý bình an và hoan lạc (Rm 14,7); bắt chước Phao lô, đón nhận Lời Chúa giữa những gian truân thử thách với niềm vui của Thánh Thần (1Tx 1,6) …. Công Vụ các Tông Đồ miêu tả đời sống của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi là cộng đoàn của Niềm vui. (x. Cv 8,5.8; 13,52)
F Niềm vui đích thực là dấu chỉ của một đời sống hạnh phúc. Người ta chỉ có hạnh phúc thật khi ở trong Thiên Chúa và khi cảm nhận tình thương của Ngài trên cuộc đời mình. Logich của Lời Chúa hôm nay chính là một lời gọi: người ta chỉ có thể loan báo Tin Mừng của Chúa một cách hiệu quả, như lòng Chúa muốn, khi cuộc sống phản chiếu niềm vui sâu xa này. Nếu không, tất cả chỉ là ngụy tạo.
Có thể thấy một thực tế: nhiều người chọn đời tu như một phương thế vinh danh bản thân, đặc biệt trong môi trường Việt Nam. Cuộc đời của họ trở thành một chuỗi những dày vò và đau khổ, đối phó và mặt nạ, thủ đoạn và xảo kế …. Đời tu ấy dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng khiến cho Chúa phải buồn và dân Chúa phải đau khổ vì người ta không tìm thấy được niềm vui và sự an ủi nơi những con người này. Nhiều cộng đoàn giáo xứ không phản chiếu niềm vui này vì đời sống của cộng đoàn bị tục hóa nặng nề, tương quan bị đổ vỡ, quá đề cao tiền bạc, cơ cấu quá cứng nhắc dẫn đến tình trạng xứ đạo không còn trở thành con đường để người ta đến với Chúa mà chỉ là những pháo đài lạnh lùng và tách biệt.
Người ta chỉ có thể cho cái người ta có. Nếu không cảm nhận hạnh phúc về sự hiện diện của Thiên Chúa và vì thế không có niềm vui trong cuộc sống, làm sao người ta có thể loan báo Thiên Chúa cho người khác ? Không thể !!! Lời Chúa hôm nay muốn dẫn chúng ta đi xa hơn : Hãy tinh tế nhận ra sự hiện diện đầy tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời mình bằng việc chìm sâu trong mầu nhiệm Lời, bằng việc gắn bó hơn trong mầu nhiệm bí tích, bằng việc suy ngắm tự hạ sâu thẳm của Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh…. Nhận ra để hạnh phúc được tròn đầy hơn, niềm vui sâu lắng ngọt ngào hơn !
F Chúng ta cũng được mời gọi biểu lộ niềm vui ấy bằng một đời sống cụ thể. Niềm vui có được nhờ kiên tâm vững chí trong niềm xác tín rằng Chúa sẽ giải thoát, giống như người nông dân tin vào vụ mùa bội thu trong khi kiên trì làm việc (Gc 5,7). Niềm vui ấy có được vì biết sống trong sự nâng đỡ hỗ tương, “không phàn nàn kêu trách lẫn nhau” (Gc 5,9).
3. Sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta là một niềm vui lớn. Và chúng ta hôm nay được mời gọi mang đến niềm vui cho người khác bằng sự hiện diện của chính chúng ta giữa họ. Những người thanh niên sống không đua đòi, không ăn chơi trác táng, nhưng sống ý thức trách nhiệm: họ là niềm vui cho bố mẹ, cho người thân. Với những người luôn sống ngay thật, chân thành, họ mang đến niềm vui khi mang đến cảm giác an tâm cho người khác. Những người sống khiêm tốn, tôn trọng người khác qua cách xử sự chuẩn mực, nhân bản, niềm vui họ mang đến rất lớn bởi lối sống đó tạo ra những tương quan lành mạnh, bình an.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành sự e dè, nỗi khiếp sợ với những người sống gần chúng con. Xin biến chúng trở nên giống Chúa để mỗi khi chúng con đến gần ai, hay sống giữa ai, chúng con mang đến niềm vui cho họ. Amen.
JB. Hồ Quang Lâm