CHÂU SƠN – MỘT THOÁNG NHÌN LẠI
PHẦN 3
3. Những điều sẵn có, Chúa dành cho tôi, nơi mảnh đất Châu Sơn.
Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo di cư. Gia đình bố mẹ tôi định cư ở vùng đất Đức Lập Quảng Đức, giáo xứ Vinh An. Bố mẹ tôi có mười một người con, bảy trai và bốn gái. Do bị sẩy thai đứa em kế của tôi, mẹ tôi chỉ nuôi được mười. Tôi là đứa con thứ tư trong gia đình. Lên năm tuổi (1975) tôi đã biết thế nào là chạy loạn, thế nào là người ta bắn nhau. Thực ra khi chứng kiến chiến tranh và cảnh đánh nhau, tôi không sợ hãi vì lúc ấy quá nhỏ, hơn nữa lại ở trong sự che chở bảo bọc của bố mẹ nên không biết sợ là gì. Nhưng sau những ngày chiến tranh mà người lớn nói lại với tôi là rất tàn khốc ấy, tôi lại có được kinh nghiệm thế nào là đói khổ, mà sự tàn khốc có lẽ cũng không thua kém so với chiến tranh là mấy. Gia đình đông con, bố đi « cải tạo » và sau đó đi chữa bệnh, một mình mẹ lo cho một đoàn con dại trong thời buổi kinh tế xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu. Giờ nghĩ lại đôi lúc thấy giật mình sợ hãi vì cảnh cùng cực của những năm tháng đó. Gạo phải chạy ăn từng bữa, sự thiếu thốn đe doạ triền miên. Cảnh xách rá đi vay gạo nấu cơm là « chuyện thường ngày ở huyện ». Cái thời mua vải và thức ăn bằng tem phiếu, mong được cái quần cái áo tươm tất đi học đã là quý. Nhưng tuổi trẻ nghịch ngợm, lại thiếu ý tứ giữ gìn nên mẹ chưa kịp có thêm tem phiếu thì quần áo của con đã rách bươm. Thành ra, nhiều khi phải mặc cả quần rách mông đi học. Tôi nhớ rõ cái cảm giác vui sướng như thế nào của mọi người trong gia đình khi bố mẹ tôi, sau nhiều năm tích góp, đã láng xi măng được cái nền nhà. Thật ra đó là cái nghèo chung của xã hội thời đó. Mọi người cùng đều chung cảnh ngộ cả. Có chăng những gia đình đông con, như gia đình bố mẹ tôi, phải chịu sự tác động của cái nghèo khắc nghiệt hơn.
Sáu năm sau cảnh nghèo đó tôi lại bước vào cái nghèo khác cũng khắc nghiệt không kém, đó là sống xa cha mẹ và người thân khi còn nhỏ tuổi. Vào năm tôi mười một tuổi (1981) bố tôi đã đưa hai anh em tôi vào học ở Sài Gòn. Thời điểm ấy để vượt qua quãng đường ba trăm cây số từ Sài Gòn về đến quê tôi phải mất hai ngày cùng biết bao cực nhọc vì đường xá thời ấy không được như bây giờ. Sự xa cách vời vợi làm cho nỗi nhớ bố mẹ của cậu bé lần đầu xa nhà thiệt là khủng khiếp. Việc sống xa cha mẹ và vì thế thiếu đi chỗ dựa nơi các ngài khiến bản thân cảm thấy như đứa trẻ mồ côi nơi đất khách xa lạ, trong những năm tháng học ở đó, là điều khó có thể phai mờ trong ký ức tôi.
Trải qua quãng đời tuổi thơ trong cảnh nghèo khổ và có lúc thiếu thốn tình thương của cha mẹ như thế, tôi nhạy cảm hơn với cảnh nghèo, với những nghịch cảnh bất hạnh. Và có lẽ vì thế mà tôi cũng dễ gần hơn với những người đói khổ, đặc biệt với những đứa trẻ mồ côi và khuyết tật. Điều đó giúp tôi không khó để dấn thân phục vụ những người nghèo là đối tượng có sẵn ở Châu Sơn. Hai thành phần nghèo mà tôi đồng hành cách đặc biệt trong những năm tháng ở đây là cộng đoàn anh em sắc tộc Êđê mà cha xứ Antôn giao cho tôi đặc trách – toàn quyền – ngay từ khi tôi trở thành linh mục vào năm 2004, và giáo họ Phanxicô (thôn Tám) mà một cách mặc nhiên cha xứ cho tôi đồng hành với họ trong những năm cuối của tôi tại Châu Sơn. Đó là cái đầu tiên có sẵn trên mảnh đất Châu Sơn mà tôi dễ dàng hội nhập.
Một điểm khác cũng thích thú không kém dành cho tôi, đó là nếp sống của người dân. Từ ngôn ngữ (tiếng lóng, giọng nói, giọng đọc kinh, cách dùng điển tích,…), ẩm thực, cách ăn mặc … đến cách nghĩ, quan niệm sống, tương quan xã hội, … tất cả đều rất quen thuộc đối với tôi. Bởi tôi xuất thân từ một gốc gác miền trung với bà con Châu Sơn. Hơn nữa giáo xứ Vinh An quê tôi cũng có một lịch sử tương tự như giáo xứ Châu Sơn, bà con di cư cùng sống chung với nhau, tất cả những phong tục tập quán, lối nói, nếp sống đều được giữ gìn gần như nguyên bản. Chính vì thuận lợi này, một cách chủ quan, tôi nhận thấy dễ dàng tiếp cận với bà con trong cương vị mới của mình. Có thể cho một vài ví dụ để minh hoạ cho điều đó. Nhờ sự giúp đỡ của thầy Trọng (Ba) giáo họ Antôn, tôi có thể ngắm Than theo giọng miền trung một cách dễ dàng. Tôi có thể hiểu tiếng lóng, cách chơi chữ, những câu nói ẩn ý, hay kiểu nói bóng nói gió theo cách người miền Trung … mà không cần phải mất một chút công sức nào. Và cũng không cần phải khó khăn lắm để nhận ra sự phân biệt, vốn ăn sâu trong tâm não của dân ta, giữa người Châu Sơn với người thôn tám, giữa dân di cư năm tư với dân di cư sau bảy lăm, giữa người kinh và người dân tộc ít người, giữa dân phố và dân kinh tế mới. Bởi đó cũng là thực tại ăn sâu trong tâm não của người dân di cư nói chung tại vùng đất Buôn Ma Thuột, đặc biệt tại những giáo xứ lớn như Vinh An, Trung Hoà, Hà Lan, …. Sự phân biệt ấy đôi khi dẫn đến những cách xử sự đến mức khắc nghiệt trong tương quan giữa người dân với nhau, nhất là khi nó liên quan đến việc kết hôn. Hay về mặt ẩm thực, mỗi lần giáo dân biếu các cha tô thịt chó rượu mận thì còn « ai trồng khoai đất này » ngoài thầy Sáu giành phần « đánh chén » hết. Hai cha lớn gốc người bắc nên không mặn mà lắm với tô thịt ngọt ngào của người miền trung, mà cha phó Đaminh nói vui là « chè chó ». Bà con Châu Sơn có thói quen rất tốt lành, theo tinh thần Kinh Thánh « thức ăn ngon ta đãi hàng tư tế », thường biếu các cha các món ăn ngon trong các dịp cưới hỏi, tân gia, …. Và có lẽ ít người biết rằng hầu hết những món ăn cao lương mỹ vị ấy đều rất hợp gu của cha trẻ vì đó thường là những món ăn của người miền Trung. Thành ra cha phó trẻ ở có mấy năm mà dân Châu Sơn đã nổi tiếng hẳn cái khoản khéo chăm.
Điểm thứ ba có sẵn, chính là sự tương đồng về cách thức sinh hoạt trong xứ đạo. Chúa ban cho tôi một ơn đặc biệt đó là, từ nhỏ cho đến khi vào dòng, dù ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào tôi cũng được nuôi dưỡng trong đời sống đạo quy củ, nề nếp. Hai xứ đạo tôi sống lâu năm nhất là giáo xứ Vinh An (BMT) và giáo xứ Xóm Chiếu (Sài Gòn). Đó là những giáo xứ có truyền thống giữ đạo rất bài bản và quy củ. Các chương trình giáo lý cho trẻ em được lưu tâm chu đáo. Những ngày lễ lớn trong năm được cử hành cách long trọng. Các đoàn thể được tổ chức có hệ thống lớp lang, có cơ cấu chặt chẽ với những hoạt động thường xuyên giúp thăng tiến đời sống đức tin và tương quan cộng đoàn. Trong môi trường ấy, hầu như tất cả mọi người đều có cơ hội để nhập cuộc, và tôi cũng không là một ngoại lệ. Được hưởng một nền tảng giáo dục đức tin trong môi trường giáo xứ như thế, được sống ngay từ nhỏ các hoạt động của giới trẻ xứ đạo, tôi sớm nhận ra những nét tương đông ấy nơi cách sinh hoạt của cộng đồng giáo xứ Châu Sơn và không mất nhiều thời gian để có thể thích nghi với những hoạt động này.
Ngày ấy, các đơn vị cha xứ giao cho tôi đặc trách, sau khi tôi chịu chức linh mục, gồm có Thiếu nhi, Huynh trưởng và Đoàn thanh niên. Thực ra, đó là các đơn vị tôi được đặc trách – không toàn quyền – nghĩa là chỉ đồng hành với các đoàn thể như một vị linh hướng. Công việc chủ yếu là dâng lễ cho đoàn thể, họp bàn với Ban chấp hành đoàn thể để lên kế hoạch cụ thể cho những hoạt động do giáo xứ phân công, tổ chức tĩnh tâm hằng năm…. Còn tất cả những khâu quan trọng khác như bầu Ban chấp hành, phân chia nhóm, ngân quỹ hoạt động, nhân sự … thì đều nằm trong cơ cấu chặt chẽ của giáo xứ và dưới sự lãnh đạo trực tiếp từ cha xứ và Ban thường vụ Hội Đồng. Thường những người trong Ban chấp hành là những người có năng lực và có uy tín, ảnh hưởng, được bầu ra bởi mọi thành viên trong đoàn thể. Ở trong một tổ chức chặt chẽ, lại được làm việc với nhiều người trẻ có kinh nghiệm và có lòng nhiệt thành như thế, công việc của tôi trở nên nhẹ nhàng rất nhiều.
Một điểm nữa khiến tôi cảm nhận rất rõ về sự thuận lợi đó là cách làm việc của cha xứ dành cho hai cha phó. Trong tương quan với giáo dân, cha xứ rất ít khi đi uống nước mới[1] hay đến nhà người này người kia, trong khi hai cha phó lại thường xuyên lân la trò chuyện, nay uống nước mới nhóm này, mai nhóm khác. Chiều rảnh rỗi hai cha trẻ lại dạo một vòng thăm viếng các khu xóm, gần thì chống gậy mà đi, xa thì cưỡi dream mà đến. Thực ra có chủ đích và có sứ mạng cả đấy. Khi ngồi với bà con vừa nhâm nhi li nước vừa hóng chuyện, nhiều khi các cha trẻ lại nghe được nhiều điều hay, biết được nhiều chuyện cần biết, hiểu được nhiều hoàn cảnh cần hiểu nhờ đó mà nắm bắt được dân tình. Tuy nhiên, nếu cha xứ cũng lân la, gần gũi và quen thân với người dân như thế thì sẽ nảy sinh trở ngại : chẳng hạn như có nhiều người quen thân với cha quá lại không dám đến xưng tội với cha vì … mắc cỡ. Đó là một thực tế. Mặt khác qua các cha phó, ngài đã có thể nắm bắt nhiều thông tin cần thiết rồi. Hơn nữa, cha xứ không đủ sức để đi hết tất cả mọi nơi, gặp hết mọi người, và vì thế, ngài cần chọn lựa một điểm dừng mà ở đó, ngài thể hiện rõ nhất vị thế cha chung của mọi người. Vị bề trên cần phải có một khoảng cách cần thiết để tạo uy thế nhất định để có sự cân bằng trong việc điều hành giáo xứ. Cha Antôn đã chọn lựa cách này.
Nếu tinh ý người ta cũng sẽ nhận ra cách thức phân chia công việc của cha xứ dành cho các cha phó : mỗi cha phụ trách chính một tuần và đảm trách tất cả các lễ đặc biệt rơi vào tuần đó: lễ cưới, lễ an táng, nghi thức rửa tội …. Dĩ nhiên ai cũng muốn trong những dịp trọng đại của gia đình có cha xứ chủ tế và chúc phúc. Nhưng có lẽ đó là sự tinh tế trong cách điều hành, vì làm như thế, một phần các cha phó đỡ « tủi thân », một phần khi cha xứ có việc phải vắng nhà, người dân không cảm thấy thiếu thốn hay bị xáo trộn.
Trên đây là những thuận lợi mà Thiên Chúa ưu ái dành cho tôi trên mảnh đất Châu Sơn thân thương. Có một người ví von : « Châu Sơn quả là đất lành chim đậu ». Vâng. Những điều có sẵn trên đây nơi mảnh đất lành Châu Sơn khiến cho chim non có thể đậu lại, đón nhận những miếng mồi ngon béo tốt để lớn lên và đủ sức vỗ cánh bay lên những tầm cao mới.
(Còn tiếp)
GB Quang Lâm
[1] Thuật ngữ « uống nước mới » chỉ hình thức uống nước chè xanh, theo xóm hay theo toán vào buổi sáng , thường luân phiên thay đổi theo gia đình. Cả xóm quây quần bên ấm nước chè xanh đậm đặc nóng hổi, râm ran chuyên nhà, chuyện nước.
Một khúc tự tình, cho bạn đọc trở về tuổi thơ của một gia đình đông con vói những cảnh đời cheo leo của một cuộc chiến khốc liệt, và một thời hậu chiến cơ cực khó nghèo…không kém thời chinh chiến…đã cho tác giả một vốn sống trải nghiệm, để từ đó, mảnh đất Châu Sơn trở nên thân thương vì chẳng khác quê nhà Vinh An là mấy! Để rồi tác giả cùng đồng cảm và xem Châu Sơn là quê hương thứ hai của mình, mà ở đó tác giả đã trở thành cha phó xứ với nhiều cảm nghiệm lý thú khi tự bạch về những chuyện bí mật chưa được bất mí khi “cha con nhà họ” có những phân nhiệm mà giáo dân chúng ta khó biết được, nếu như không có khúc tự tình này.
Ngoài nhưng đồng cảm vì đồng hương đồng khói của dân khu tư, rồi đến nhâm nhi những ly nước mới, nhưng tôi đoán chắc rằng, những tô rựa mận mới là cảm khoái để cho cây đời đâm rễ sâu hơn với một miền đất nhân sinh này, phải không quý ngài! Nhưng dù sao, có thực mới vực được đạo, đó cũng là quy luật của muôn đời mà lỵ.
Xin cám ơn một người con ngoài giá thú của gia đình Châu Sơn, đã dành những tình cảm thân thương và mặn nồng với mảnh đất Châu Sơn như thế!