Về đây thăm lại, Một Miền Đất Tâm Linh

Về đây thăm lại,

Một Miền Đất Tâm Linh

NGHIA TRNG 1 

          Mỗi năm, khi những cơn mưa áp thấp nhiệt đới thưa thớt dần, nhường cho lâm thâm những hạt mưa phùn se lạnh, đem cái gió đông xao xác buồn hiu hắt về bên những tàu lá chuối tàn tạ xác xơ; cũng chính là lúc, báo hiệu cho một mùa tâm linh “người chết nối linh thiêng vào đời”, mở ra tháng Linh Hồn.

          Một tháng tâm linh mà dù tâm hồn ai khô khốc, sỏi đá đến mấy, cũng phải tan chảy cõi lòng trong niềm rung động, khi tưởng nhớ về ông bà tổ tiên cha mẹ mình. Mà nếu như ai đó, không còn nhớ đến cội nguồn tiên tổ, thì lương tâm họ phải cắn rứt tự hỏi: mình có còn là con người nữa không? Hay chỉ là bầy đàn vô thần, vô lương tâm, vô cảm, vô nhân, vô nghĩa…

NGHIA TRANG 2

 

          Cảm xúc tâm linh về cội nguồn, làm cho con người lớn lên, vượt hẳn khỏi loài thụ tạo thảo vật chim muông cầm thú, và cũng lớn dậy miền tâm linh trong kiếp nhân sinh, để vươn tới cõi thần linh…

          Điều này, hầu như chẳng cần ai bảo ai, người Châu Sơn chúng ta cũng đã ý thức và tự nguyện để làm cái nghĩa cử tâm linh cao đẹp, khi đến với người chết, thân nhân của chúng ta rồi.

          Và những hình ảnh đẹp đầy tâm linh, rất dễ nhận thấy ở nghĩa trang chúng ta trong những ngày này.

THĂM VIẾNG 1

      Tôi đã thấy, có người phụ nữ nọ, tuổi hãy còn “nửa chừng xuân”, sao Chúa bắt phải oan khiên tội nghiệp đến thế!! Chồng chết chưa bao lâu, thì cha chết, rồi đến con chết…rồi mẹ chết, không có ngày nào ngơi nghỉ tang tóc. Thế là chiều thứ bảy nào cũng hoa nến, xách xô nước ra lau chùi bia mộ, chưng hoa, hương nến cũng mất cả buổi chiều…Vậy mà vẫn vui sống, mà lại sống đầy tự tin và phó thác trong Chúa được mới là hay chứ!! Nếu là tôi, chắc: “Xin Chúa thương gọi con về…” quá!! Cho hay rằng: con người sống còn phải có niềm tin và sự phó thác trong Chúa mới có được sự an tâm vững vàng trong cuộc dâu bể này!!!

          Có bà mẹ khóc hết nước mắt khi “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi là trời!!!”. Người mẹ khóc đứa con tuổi hãy còn xuân xanh, thế mà tuổi trẻ nông nổi để phải chết một cách oan uổng.

THAM VIÊNG 2

          Có người chồng tuổi thất thập già lọm cọm, vợ chết mà yêu thương da diết khôn nguôi, để sáng nào sau thánh lễ cũng không quên ra thăm người vợ dấu yêu với áo tang, nón rách thê lương, cho đến ngày ông lão về với bà. Đây là một tấm gương sáng cho những vợ chồng trẻ noi theo, để biết sống thuỷ chung, yêu thương nhau trọn kiếp.

          Có những người con khóc mẹ nỉ nước nỉ non, nửa đường đời bỗng bị tai nạn phải chia tay chồng con, để cảnh cha già “gà trống nuôi con” trong ngậm ngùi thương đau.

          Và còn nhiều chuyện đời oan khiên thương cảm ở nơi miền đất này nữa…

          Nơi miền đất này, nước mắt đã tuôn chảy thấm đẫm nghĩa tình giữa người chết và kẻ sống, để cho những cây đời lớn lên trong ơn nghĩa sinh thành, để những người con còn biết uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là miền đất ươm mầm nhân sinh và tâm linh cho “một cõi đi về” của kiếp người.

NGHĨA TRANG3

          Chỉ trong khoảng mấy phút hương khói và kinh nguyện, cũng đã làm miền đất quạnh quẽ này ấm áp lại niềm ru giữa hai thế giới cách biệt âm dương, về đây nối liền nhịp cầu Ô thước.

          Và nếu bạn nán lại, sẽ có một đôi điều thú vị khi biết rằng: Một dãy phía đàn ông có khoảng 38 ngôi mộ. Các bạn có biết bao nhiêu năm thì số mộ sẽ kín một dãy?

mộ ccs ông

       Thưa là phải gần 4 năm mới hết. Đáng ngạc nhiên hơn là, không phải cứ người già là chết cả đâu, mà có đến gần 1/4 số người trẻ dưới 50 tuổi thuộc tuổi hưởng dương cũng an nghỉ nơi đây. Điều này, như một lời cảnh báo: Con người đến như kẻ trộm, không biết giờ nào?

          Còn phía phụ nữ, có số mộ 36, nhưng phải 4 năm 6 tháng mới hết một dãy. Thế mới biết cánh nữ sống thọ hơn cánh nam. Theo tổ chức Y tế Thế giới ở VN, cánh nam có số tuổi thọ trung bình là 70 và phái nữ là 75….

mộ các bà

 

          Dạo bước một vòng ở phía tây nam nghĩa trang, tôi khá ngạc nhiên khi chợt nhìn thấy một ngôi mộ chỉ đắp u đất đơn sơ với cây thánh giá xi măng, không đề tên thánh, tên họ, nằm khiếm tốn mọn hèn giữa những ngôi mộ khang trang, đẹp đẽ. Điều này làm tôi chợt nhớ một câu nói của một ai đó: “chỉ có cái chết làm cho mọi người bình đẳng với nhau”. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: vì sao cũng một kiếp người, vậy mà khi nằm xuống ở miền đất GX này, lại có một sự phân cách sang hèn như thế?

MỘ CÔ ĐƠN

        Tình cờ đi quanh quẩn…Ở phía tường đông bên cánh phụ nữ, nếu không có bảng hiệu: “Đây là ngôi mộ mồ côi, xin bà con cầu nguyện, và đừng đổ rác lên”, thì khó có ai tưởng tượng được đó là một ngôi mộ. Tiếng là ngôi mộ, nhưng thực ra chỉ là một nắm đất và một bát hương tàn tạ đâu từ hồi nào. Nấm mộ này bị đằn lên bởi một bờ gạch, nằm sát bờ tường.

MỘ CÔ ĐON 2

 

        Không hiểu tại sao chúng ta lại vô tâm đến thế!?? GX có thể xử lý: dời ngôi mộ này sang một chỗ trống khác cho thoáng đãng hơn, hoặc đưa vào gia mộ…Tại sao cả một GX đạo mà để lãng quên một ngôi mộ với một vị thế hẩm hiu, tồi tàn như thế được??? Về xác thể hư nát thì chẳng nói chi, nhưng về mặt tâm linh thì đó cũng là một linh hồn, đó cũng là một người anh em, một người con của Chúa cả chứ!!??

GIA MÔ

      Tôi nghĩ các đoàn thể trong GX nên quan tâm đến điều này, nhất là Đoàn Thanh Tráng Niên đang phụ trách về nghĩa trang, nên trích ra một số tiền để xây lại hai ngôi mộ cho ấm lòng người nằm xuống. Nếu không, HĐGX cũng nên đứng ra xây lại, để khỏi bị mang tiếng là GX mà phân biệt đối xử. Và đức ái của chúng ta ở đâu rồi nhỉ??? “Làm phúc nơi nao mà để cầu ao rách nát”??

      Khi bài này lên trang web Tiến Đức thì nghe đâu, có người xin HĐGX để tự nguyện bỏ tiền ra xây cất hai ngôi mộ này, và hình như HĐGX cũng phải giật mình, vì đâu ngờ có hai ngôi mộ thô sơ, tàn tạ và lạc loài ở giữa chốn quần hùng các ngôi mộ khang trang?

      Rất thông cảm cho HĐGX, khó có thể quán xuyến hết mọi việc trong giáo xứ. Nhưng theo tôi, HĐGX nên làm nghĩa cử cao đẹp, khi thay mặt GX trích kinh phí ra làm đẹp lại hai ngôi mộ này, để bù lại những năm tháng mà hai ngôi mộ này đã phải chịu cảnh hẩm hiu buồn tủi. Nhất là nghĩa cử này lại làm vào đúng dịp tháng linh hồn thì cao đẹp biết bao!

       Thánh lễ sáng ngày 20/10/2003 Uỷ viên phụng vụ đã thông báo với giáo dân: ai biết thân nhân ngôi mộ đất ở phía tây Nghĩa trang GX, xin thông báo lại với HĐGX để tìm cách xử lý ngôi mộ này.

     Thế thì còn ngôi mộ ở phía đông cánh phụ nữ thì sao? Có thể HĐGX chưa hay biết để ra thông báo tìm thân nhân và xử lý luôn thể?

NGHIA TRNG 1

      Cuộc đời là một cuộc hành trình dài dương thế. Mỗi người chúng ta cũng rất cần có: Những bến ga lên xuống để nghỉ dưỡng sức cho lộ trình dài. Cần những trạm xăng dầu để nạp thêm nhiên liệu tiếp bước cho đường xa. Cần có những khoảng lặng để tâm hồn lắng đọng về một miền tâm linh.

       Và, về đây với Nghĩa trang GX Châu Sơn, thăm lại một miền đất tâm linh vào tháng linh hồn, cũng là một bến đỗ, để nghe trong thinh không, tiếng rơi tĩnh lạc vô cùng…

Nguyễn Văn Kính

          

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …