BẾ MẠC
HỘI TRẠI TRÁNG NIÊN
CHÂU SƠN
4 giờ sáng ngày 21/06/2013 loa phóng thanh đã vang lên, đánh thức các trại viên dậy để vệ sinh cá nhân, và chuẩn bị tham dự thánh lễ.
Sẽ rất khó khăn để trỗi dậy sau một đêm quá tải: vì văn nghệ cũng có, nhưng chính là vì cao trào điểm nóng Tráng niên là chuyện “ăn dậu” chén thù chén tạc thâu đêm. Mà cũng phải thôi 50 năm mới có một lần hội trại, ngu chi mà “hoãn cái sự sung sướng” lại, phải không các bạn!
Có người đồ rằng, nếu nội quy của hội trại cấm Trang niên uống bia rượu, chắc chắn là chẳng ma nào đăng ký đi hội trại. Và phải nói không quá rằng, động lực chính để tráng niên làm được nhiều kỳ công, cũng do nhờ bởi chất xúc tác bia rượu mà thành.
Các toán muốn đoàn kết, muốn biểu dương thi đua thành tích, trên hết mọi sự phải có bia rượu làm đầu. BCH Đoàn muốn làm điều này, điều nọ ở các toán, cũng phải nhờ chính bia rượu dẫn dắt như trong thánh vịnh hát trại ra: “Rượu dẫn tôi qua đồng cỏ xanh, có bia rượu vào tôi còn sợ chi ai”.
Bia rượu quan trọng đến nỗi có Tráng niên lão thành từng ví von “Nam vô tửu bất thành Tráng niên”. Bia rượu quan trọng là thế đối với Tráng niên, nhưng không thể nói Đoàn tráng Niên là Đoàn bia rượu đâu nghe các bạn! Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, nói như thế nghe hiểu lầm là “Đoàn lầy” thì chết tui, có mà bị “tru di tam tộc”.
Người xưa từng có câu: “Vô tửu bất thành lễ” quả là rất đúng. Đến cả lễ hội cúng tế đình chùa mà phải dùng tới rượu để thần thông với thánh thần, thì “chuyện ăn dậu vui chơi” của Tráng niên chỉ là chuyện nhỏ. Nói khe thôi nha, ngay cả đạo ta, thánh lễ không có rượu cũng bất thành lễ chứ chẳng đùa đâu!
Quá tải sau một đêm vui say là thế, vậy mà Tráng niên tham dự thánh lễ khá đông đủ và cất cao giọng hát đầy khí thế. Quần áo bảnh bao, mặt mũi tươi tắn, tỉnh khô như không có chuyện chi xẩy ra hồi đêm. Đó là điều đáng biểu dương nơi tráng niên: “chơi ra chơi, làm ra làm” không lẫn lộn.
Và bình minh cũng noi theo các tráng niên, sau một đêm mưa gió bão bùng, cũng thức dậy một cách tỉnh táo lạ thường với những tia nắng hanh vàng rạng rỡ trên mái ngói thánh đường, làm cho sân hội trại ấm lên dưới những vũng nước còn đọng lại sau đêm mưa.
Nhưng phải đợi đến 9 giờ 30 mới có thể hội thi môn kéo co được.
Kéo co cũng là một trò chơi dân g, có tính đối kháng cao, nên khi xem rất cuốn hút, và không kém phần kịch tính hồi hộp.
Dù là trời mưa sân bãi trơn trợt, môn kéo co cũng phải thi đấu trên sân đất
Những quy định chung: mỗi đội được phép đăng ký 10 vận động viên, nhưng khi thi đấu mỗi đội có 7 VĐV. Sau mỗi hiệp đấu được phép thay đổi VĐV, nhưng là trong số 10 VĐV đã đăng ký.
Thể thức thi đấu: Vòng 1 các đôi bắt thăm theo từng cặp đấu và loại trực tiếp bằng hiệp đấu. Nếu sau 2 hiệp đấu có tỷ số 2-0 thì đội thua bị loại không thi đấu hiệp 3.
Vòng 2: 10 đội thắng tiếp tục thi đấu dựa theo kết quả lượt đấu thứ nhất theo hình thức chia bảng sẵn theo số chặn lẽ. Sau lượt đấu vòng 2, sẽ có 5 đội thắng vào vòng 3. 5 đội thua vòng 2 sẽ bốc thăm chọn đội may mắn được vào thẳng. 4 đội còn lại phải bốc thăm để chọn hai đội thắng vào vòng 3.
vòng 4: Sẽ có 8 đội đấu cặp chia theo bảng, 4 đội thắng sẽ vào vòng bán kết.
Vòng bán kết: 4 đội đấu loại trực tiếp theo bảng đx chia sẵn, hai đội thắng vào đấu trận chung kết nhất nhì, hai đội thua sẽ tranh ba tư.
Khác với nhảy bao bố, tiêu chí chọn người thi đấu cho toán, phải là người vạm vỡ, nặng ký…hàng đầu. Và qua thi đầu, vừa ra sân thấy đội nào to con, nặng ký là dễ nắm chắc phần thắng trong tay.
Đúng ra tiêu chí của kéo co là cơ bắp rắn chắc, cuồn cuộn để có sức kéo co. Và lực kéo có mạnh thì mới di chuyển chân trụ về phía sau, để chân trụ sau duỗi ra thẳng thành chân tấn, chứ không phải lấy thịt đè người như các toán thường chọn. Nhưng, trong mặt bằng tráng niên ta thì điều đó đang hiệu quả, đủ để chiến thắng.
Cúi đầu cắm cổ kéo thừng
Ngã người rán sức oặn lưng hết mình
Môn kéo co là môn thi đấu có tính đồng đội đối kháng trực tiếp, nên cũng phải có chiến thuật khi khoan khi nhặt…khi cần dốc sức toàn lực mong hạ nốc ao đối phương ngay trong phút đầu. Nhưng thấy đối phương vẫn trụ lại được, thì phải đổi chiến thuật phòng thủ, ghìm lại để lấy sức…rồi chờ thời cơ mới tung ra đòn quyết định tốc chiến tốc thắng…
Cái khó của môn này là chân tấn và chân trụ thay nhau. Chân tấn khi rút về sau, thì chân trụ lại trở thành chân tấn, và cứ thế thay nhau…
Trong khi hai tay nắm chặt dây thừng thì cơ bắp rán hết sức để gồng mình kéo dây về phía đội mình. Nếu hai cơ bắp tay có đủ lực kéo dây về phía mình thì chân trụ mới rút về phía sau được.
Bặm môi dang cánh kéo co
Ngã người chân trụ chẳng lo nỗi gì
Anh em dân tộc mình ơi!
cố lên chiến thắng cuộc chơi về mình!
Trọng tài đứng giữa hai bên
Bên nào thắng cuộc nổi lên hồi còi
Kéo co đâu phải chuyện đùa
Nhe răng cười cợt phần thua chắc rồi
Trọng tài cha mẹ đứng nhìn
Bên nào dấu đỏ gần mình thắng ngay
Chúng tôi sẽ tiếp tục truy cập…
Danh sách 8 đội thi đấu vòng 4:
– Toán Gioan Vianey gặp toán Lê Bảo Tịnh I – Toán Giuse gặp toán Đa Minh
– Toán Augustino II gặp Augustino I – Toán Sion II gặp Toán Lu Ca
Kết quả 4 đội thắng vào vòng bán kết:
Toán Gioan Vianney gặp toán Augustino II và toán Giuse gặp toán Sion II
Vòng chung kết tranh ba tư:
Đội đứng 3 toán Gioan Vianey thắng toán Giuse tỷ số 2-0
Đội Vô địch toán Augustino II toán thắng Sion 2-0
Khi buổi thi đấu kéo co kết thúc phân ngôi thứ hạng, trời cũng đã đứng bóng. Các toán bước vào bữa tiệc ly cuối cùng của ngày hội trại.
Chắc chắn buổi trưa này các bạn sẽ có nhiều lý do để mượn chén ly bôi chia sẻ nỗi niềm của những giây phút phù du đang trôi qua mau. Sẽ là rất tiếc nuối, bồi hồi lưu luyến để mãi mãi trong đời người không bao giờ gặp lại giây phút của bữa tiệc chia ly ngày hội trại 50 năm Tráng niên nữa rồi.
“Cuộc đời như dòng sông vô tình mang đi tất cả…”
Nhưng dù sao còn vớt vát được niềm vui, khi buổi chiều còn thi đấu môn điền kinh chạy 700 mét.
Lộ Trình Thi đấu Môn Đìền Kinh: Điểm xuất phát trước tiền đường nhà thờ tiến ra cổng chính, rẽ trái xuống góc đường Ông Hảo, rồi tiếp tục rẽ trái chạy thẳng đến góc được ông Khởi, rẽ trái lên góc đường bà Kỳ, tiếp tục rẽ trái ra góc đường ông Công rồi trở về cồng chính tiến vào điểm xuất phát để kết thúc đường đua.
Mỗi toán chọn một VĐV. Gồm có 20 VĐV của 20 đội đăng ký thi chạy.
Kết quả cuối cùng:
Về nhất: Mai Nhật Hoàng – Toán Gioan Vianey 1 phút 57 giây
Về nhì: Nguyễn Gia Thất – toán Phê Rô – 1 phút 58 giây
Về Ba: Trần Hậu Chiến – toán Lê Bảo Tịnh I – 1 phút 59 giây
Sau đó là quay xổ số. Gốm 3 vòng quay, quay ba lượt
Số trúng giải độc đắc là 325 thuộc về anh Nguyễn Tiến Hưng Một TV Có trị giá 10 triệu đồng VN
Tiếp đến là lễ trao thưởng cho các giải thể thao cho cá nhân và các toán…
Trao Kỷ niệm chương cho người thiết kế logo Anh Nguyễn Thiên Chương
Trao kỷ niệm chương cho tác giả Đoàn ca Anh Trần Ngọc Huân với ca khúc Tâm ca núi ngọc.
Kết quả thi đua toàn đoàn, gồm 20 đơn vị:
Thi đua: lều trại, Trại viên tham gia, sinh hoạt, văn nghệ, thể thao…
Kết quả
Giải nhất: Toán Lê Bảo Tịnh II
Giải Nhì : Toán Gioan Vianney
Giải ba : Toán Phê Rô
Sau đó, anh Đoàn trưởng trao tặng hoa cho toàn ban điều hành.
Buổi lễ bế mạc hết sức gọn nhẹ sau khi hát bài cảm tạ hồng ân Thiên Chúa.
Kể cả anh trưởng đoàn Cao Vĩnh Phú, hình như không soạn diễn văn để đọc thì phải. Anh đã nói mấy lời cám ơn ngắn gọn, gửi đến những người đã có công giúp cho ngày hội trại thành công mỹ mãn và cám ơn tất cả các đoàn viên Tráng Niên.
Tất cả đoàn viên lặng lẽ trở về lều để nhổ trại…
Bầu không khí trùng xuống…
Chiều nhẹ trôi, những đám mây ngẫn ngơ như tiếc nuối chưa vội bay đi…