Chợ Châu Sơn
Có lẽ, cả TP BMT, không ai mà không biết đến chợ “Châu Sơn”. Tiếng nói là chợ Châu Sơn, nhưng thực ra, chợ quy tụ về đây gần như hầu hết quý bà, quý ông nội trợ của cả hết xã nhà Cư Ebur: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 6, và thậm chí là cả thôn 8, cùng với những người khách vãng lai.
Đó là niềm tự hào của người dân Châu Sơn, khi một ai đó đi xa về, lên Taxi hay xe thồ, qua vài lời giới thiệu, thì “chợ Châu Sơn” là điểm nóng trong cuộc nói chuyện, tại sao vậy???
Chợ chúng tôi đã ra đời gần 10 năm, đầu tiên là những quán nhỏ đìu hiu, dần dần qua nhiều năm tháng, chợ đã lớn lên và đã trưởng thành như bao nhiêu chợ khác. Chợ tuy đã lớn tuổi rồi, nhưng vẫn chưa có 1 lô thổ cư nào, mà phải đang nép mình tá túc bên cạnh Tượng Đài Đức Mẹ đầu làng Châu Sơn. Có lẽ nhờ như vậy, nên chợ chúng tôi luôn mang nét hiền hòa dễ thương, như cô thiếu nữ e lệ, chưa tỏ lộ bộ mặt thật của 1 bà” Phù Thủy đa năng”!!! nếu đóng đô ở một nơi khác.
Điểm nét dễ thương nữa là từ lúc khoảng 4g sáng, lác đác những người bán hàng như thói quen đi chợ đêm, về đây để dọn hàng bán, họ âm thâm thắp nhang, dưới chân Đức Mẹ, khói lên nghi ngút, lâm râm cầu nguyện như khấn xin cho phiên chợ được Binh An, “mua may bán đắt” dễ thương hơn nữa, những người này là những người “Samaria ngoại đạo”. Đó là chi Thanh “rau” ngoài phố, bà Quý “thịt” thôn 8…..
Chợ chưa có được một sự quy hoạch, một quy cũ bài bản của các cấp chính quyền xã hay Tp chỉ định, nhưng những người bán hàng tự chọn cho minh môt địa thế thích hợp, như: dãy hàng bán cá, dãy hàng bán quần áo, dãy hàng ăn uống…
Mỗi người bán hàng, tự bao giờ đã được mọi người(?) đặt cho những cái tên mới, cái tên không muốn mà có được như: chị Thanh “cháo”, anh Văn “thịt”, Chị Hồng “bún đỏ”, Oanh “xôi”, chị Trang “bánh mì”, chị Thắm “cá”, chị Thủy “chè”, chị Tuyết “trái cây”, chị Thảo “rau”, chị Sương “hoa”…Có lẽ người bán hàng cũng tự “bằng lòng” và “an phận” với cái tên “chợ” của mình!!!
Đặc biệt hơn nữa, mỗi sáng sớm, tin tức thời sự nhanh như tên bay, tốc độ nhanh hơn đường truyền Internet. Ví như trong 24h qua, có chuyện hay dở, tai nạn, trộm cắp, ai đau ốm hoặc cấp cứu, hoặc qua đời đột tử…tin túc loan truyền một cách nhanh chóng từ đầu chợ đến cuối chợ, tùy theo chuyện quan trọng nhiều hay ít, cứ thủ thỉ, thủ thỉ, mọi người đều biết và thông cảm cùng nhau.
Và đến khoảng 9g sáng, không ai bảo ai, chợ bắt đầu lưa thưa. Mỗi người bán hàng xong, tự dọn dẹp vệ sinh, sạch sẽ, gom rác vào bao và tự đưa về nhà hoặc sẵn xe rác đi qua thi “quá giang” luôn. Việc sạch sẽ này được bà Huynh đầu làng hướng dẫn ngay tư đầu, nên bây giờ cũng thành thói quen, vì đây là nơi tôn nghiêm, tránh xã rác dơ bẩn.
Đến 11g thì vắng người hẳn, mọi người cùng trở về với công việc hằng ngày, và để chuẩn bị cho phiên chợ 4g sáng hôm sau, và cứ thế tiếp tục và tiếp tục…mọi ngày như mọi ngày.
Mong ước một ngày nào đây, chợ “Châu Sơn” chúng tôi sẽ về “nhà chồng” chính thức có chỗ ổn định. Và ngày đó, toàn thể dân Châu Sơn sẽ đưa “cô Dâu Chợ” về nhà chồng với niêm vui khó tả, thương thương, nhớ nhớ, thương cô thiếu nữ “chợ” trẻ trung hiền lành xinh đẹp kia…bỗng một ngày, không còn sum họp êm đềm dưới chân Mẹ nữa.
Nghĩ đến lúc đó, tôi chạnh lòng, không biết những người Samaria ngoại đạo kia còn thắp nhang cho Mẹ nữa không?
Hình ảnh Phaolô Khả
Ghi nhận: Kim Dung – T2