GẶP GỠ ĐẦU NĂM,
Những Người Bạn Tiến Đức
“Người từ trăm năm về khơi tình động….”
Là câu dẫn nhập của MC, vì duyên cớ một người bạn ở bên kia bờ đại dương về thăm quê, cùng “chế độ ăn theo” của hai người bạn Sài Gòn về, đã tạo nên “buổi họp mặt duyên kỳ ngộ” của những người bạn Tiến Đức quê nhà, đầy bất ngờ lý thú.
Ngoài ra, khách mời còn có cụ Phó xứ.
Nhưng nói chi thì nói cũng phải “dĩ thực vi tiên” trước đã. Những ly rượu Tây đỏ óng của chủ nhà hiếu khách đưa ra tiếp đãi, càng làm cho bầu khí thêm nồng ấm và phấn chấn hơn trong lời chào hỏi, tay bắt mặt mừng, thân thưa chuyện trò với nhau hết sức rôm rã, khiến cho ta có cái cảm tưởng hương vị ngày tết vẫn còn váng vất đâu đây.
Khi những món ăn được bày lên: món mực nướng thơm lừng mùi biển Phan Thiết nhâm nhi với rượu nồng. Món dạ tràng thơm giòn ngon miệng đã nhập khẩu lững bụng thì, câu chuyện gặp gỡ đầu năm mới bắt đầu…
MC đưa ra chủ đề “Dấu yêu xin quay về quê cũ” nghe có vẻ lai láng tình quê chi lạ!! Và người “xông đất” cho buổi mạn đạm này chẳng ai khác là chủ nhà.
“Tôi xa rời Châu Sơn đã hơn 30 năm nay, nhưng tôi vẫn đi về thăm mẹ thường xuyên. Châu Sơn với tôi rất đỗi thân quen và gần gũi. Tôi mừng vì làng quê ta qua hội nhập đô thị hóa vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp của sự dung dị, bình yên…Tuy nhiên cũng còn lắm điều khuất tất, trăn trở…Tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nền văn hóa các nước Âu Mỹ, những tôi vẫn thích một cõi đi về như ở quê ta, nơi đó cho tôi sự bình yên, sự trìu mến của mọi người, sự thân thương của bạn bè. Tôi vẫn muốn, mỗi lần về, nếu có điều kiện, hê các bác một tiếng, xin các bác đến cho vui cửa vui nhà. Với tôi, Châu Sơn mãi mãi là chiếc nôi êm đềm…”
Có lẽ, đây là người con Châu Sơn hiếu thảo nhất.
Và người từ trăm năm về khơi tình động…cũng có những tâm trạng:
“Mình ra đi ngày 75, những tưởng là chỉ đi tránh làn sóng nhuộm đỏ Sài Gòn, ai ngờ phải xa rời quê hương Châu Sơn tưởng không bao giờ về nữa. Xa rời cha mẹ, anh em và bà con lối xóm, những năm tháng đầu ở bên Mỹ mình sống lẻ loi, cô độc, buồn thảm ở cái nước cờ Hoa xa lạ…thật không bút sách nào tả xiết. Lần đầu tiên về VN những năm đầu 90, Châu Sơn đang dần vươn lên thoát đói khổ, mình cũng rất mừng. Nhưng mình ganh tỵ với người Châu Sơn khi họ luôn có được một tinh thần thư thái, thoái mái, uống nước mới lai rai ngồi lâu tùy thích. Điều này ở bên Mỹ là một thứ xa xỉ. Nhưng mỗi khi về quê nhà, mình luôn được bà con bạn bè lối xóm thân thương thăm hỏi trìu mến, khiến mình rất xúc động.
Mình nhớ mối tình học trò năm xưa, vẫn còn chút vương vấn trong lòng. Hôm vừa rồi mình gặp lại cô nàng, bọn mình ôn lại những kỷ niệm xưa mà tưởng như hai đứa vẫn còn thơ như ngày nào. Và vừa nãy mình cảm tác một vài câu thơ để ghi nhớ cảm xúc về làng quê:
Ta ra đi không lời giã từ
Xa quê hương trong niềm hận thù
Ta yêu em với sự dại khờ
Ta yêu em với niềm khổ đau
***
Anh ôm em ôm cả niềm đau
Sự dại khờ để tình dở dang
Ta trở về người đã ra đi
Ta giã từ trong niềm nhớ thương
Tiếng vỗ tay rôm rốp sau bài thơ cảm tác ứng khẩu.
Và để tiếp nối cảm xúc, MC đã cầm đàn hát ca khúc tự tình: Dấu yêu xin về quê cũ, dành tặng cho người bạn viễn xứ. Trong đó có câu:
“Về đây yên vui làng quê lũy tre bao quanh tình thân
Về đây nghe câu a ơi tiếng ru bên nôi dịu êm
Về đây nương khoai hàng cau ngát thơm hương hoa tỏa lan
Một miền quê hương dấu yêu thanh bình”
Bài hát vừa xong thì cũng kịp lúc mùi thịt nướng thơm phức lan tỏa trên mâm pháo, khiến ai cũng sẵn sàng vó ngựa xông trận chiến đấu.
Một chút tản mạn sang đề tài thuyết trình tối hôm qua: Thanh niên trong xã hội hiện đại. Một người anh – “nhà thơ lợn”, tham luận:
“Một chuyên gia tâm lý dày dạn kinh nghiệm và bản lãnh, đã cuốn hút được thanh niên nghe giảng trong sự hào hứng, phấn khởi suốt hơn hai tiếng đồng hồ là điều mà rất ít người trước đây làm được. Một đề tài sát thực tế với lớp trẻ trong Giáo xứ, tiếc rằng số người tham gia không được đông đủ lắm! Phải chi đề tài này dành cho Tráng niên thì rất phù hợp, để mỗi người tráng niên hiểu biết cách thế mà giáo dục con cái cho phù hợp với tâm lý tuổi trẻ…”.
Nhân ngày 10/03 anh có cảm xúc qua bài thơ và gửi tặng cho chủ nhà…
Gửi người viễn xứ
Xa rồi một buổi sáng,
Khói lửa mùa tháng ba,
Đám ngựa hồng ly tán,
Mỗi bước nhịp đường xa.
Xa rồi chinh chiến cũ,
Đàn chim nhiều phong ba,
Mang theo hồn viễn xứ
Đau đáu một quê nhà.
Xa rồi mùa tháng ba,
Xa tuổi trẻ ngọc ngà,
Nhiều đứa đi biền biệt,
Còn gặp không mẹ già?
Ly hương luống ngậm ngùi,
………………………….
(Bài thơ còn dài, chúng tôi sẽ cho đăng nguyên bài ở trang Lều thơ)
Anh ca trưởng cũng có đôi lời chia sẻ trong những suy tư trăn trở: “Con gái Châu Sơn đẹp và rất duyên dáng, nhưng có cảm tưởng mong manh và dễ vỡ như pha lê, bởi sự nhiễm độc của cơn lốc thời đại, nên dễ phá rào ăn cơm trước kẻng…là chuyện phụ huynh chúng ta cần phải luôn cảnh giác con cái mình. Còn con trai Châu Sơn thì lại quá dày dạn, chai lì vô cảm đến vô tâm, để có thể táo bạo vướng vào những tệ nạn xã hội…”.
Và anh cũng dành tặng một nhạc phẩm “Xin đừng làm buồn đôi mắt em” cho những người con gái Châu Sơn. Lời ca mượt mà hòa trong giọng hát chân chất đã chuyển tải dòng nhạc thấm đẫm trong cảm xúc.
Cha Phó xứ cũng có đôi lời tâm tình:
“Rất vinh dự được các anh mời họp mặt bữa trưa nay, để hội nhập cùng các anh trong câc sinh hoạt. Mong các anh đừng vì sự có mặt của cha Phó mà phải e dè, mất tự nhiên, xin các anh cứ sinh hoạt xưng hô mày tao chi tớ như thường ngày. Những tâm tình chia sẻ của những người con viễn xứ sẻ là nhịp cầu nối kết giữa người ở lại và kẻ xa quê. Xin cầu chúc cho các anh luôn được an vui hạnh phúc trong cuộc sống. Xin cám ơn các anh rất nhiều”.
Lúc này, món cá nướng giấy bạc cũng đã vẩy đuôi lăn lóc trên bếp ga thơm lừng, chờ đợi các thực khách thương đến phận hèn này…
Một kẻ ở miền xa cũng có đôi điều tâm sự::
“Tôi rất may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong cái nôi GX Châu Sơn. Nhờ cái nôi này đã dưỡng nuôi tôi lớn khôn trưởng thành và cho cả gia đình tôi nữa. Qua tháng năm, tôi luôn được sự giúp đỡ của các anh, người cho tôi gương sáng, kẻ chỉ bảo cho tôi những trải nghiệm sống, người dẫn dắt con tôi trong con đường âm nhạc đàn ca….Nói chung, GX Châu Sơn ban tặng cho gia đình tôi rất nhiều điều, trái lại, tôi chưa đáp đền được cái nghĩa tình ấy cho cân xứng. Và trong tôi, luôn biết ơn các anh và mọi người Châu Sơn”.
Chuyện trang web Tiến Đức Châu Sơn cũng được đưa vào thời sự. Thủ cầm nhà thờ chia sẻ:
“Sau hơn hai năm hoài thai, trang web Tiến Đức Châu Sơn mới được trình làng, công sức đó cũng là nhờ sự nổ lực của BĐD cựu học sinh Tiến Đức. Rất mong được thế hệ các anh dẫn dắt bước đầu để thế hệ con em tiếp bước và làm cho trang web ngày một phong phú và phổ biến rộng rãi hơn”.
Một bạn trẻ tuổi bày tỏ:
“Châu Sơn may mắn có một thê hệ vàng, bởi các anh là những cánh chim đầu đàn đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng cho giáo xứ và dẫn dắt cho thế hệ sau nhiều thập niên qua. Thế hệ chúng em rất thiệt thòi khi bước vào đời, thời hậu chiến với những thua thiệt học hành, kiến thức…Thực sự mỗi thời sẽ có những cách thế riêng, những lối sống riêng…Chẳng phải ai ưu tú hơn ai, chẳng qua là điều kiện thời thế không cho phép để thế hệ sau phát triển…Và bây giờ, thế hệ con em ta lại có điều kiện phát triển về nhiều mặt, nhưng cũng rất cần một sự dẫn dắt của những cánh chim đầu đàn như các anh. Nếu những cánh chim các anh đã gãy cánh, rụng lông, tưởng cũng nên vặt lông cho vào nước sôi làm thịt là vừa…”. Nhưng nói chi thì nói, thế hệ chúng em cũng rất cám ơn thế hệ các anh rất nhiều”.
Một ca khúc tự tình về Châu Sơn: “Châu Sơn quê cũ làng tôi” cũng được hát lên:
“Châu Sơn đây miền quê cũ làng tôi. Miền quê thắm màu đất đỏ.
Miền quê ven núi nương đồi. Suối chảy một dòng cách đôi…
Tiếng chuông ngân sớm chiều cầu kinh. Sống chung vui giáo xứ an bình…”
Một vị cao niên tổng kết:
“Tôi cám ơn những sự ưu ái mà chủ nhà đã dành tặng cho anh em tôi ngày hôm nay, và cả những thời gian trước. Mỗi lần anh về thường hay hê anh em chúng tôi quy tụ và “bù khú” với nhau. Những đêm canh thức giao thừa nhấm nháp chút bia rượu để hàn huyên chuyện trò với nhau cho đến 12 giờ, chờ cho nhà nước chúc tết mới tan hàng…Ngoài ra những đóng góp của anh cho GX là không nhỏ, ví như giải bóng đá mùa xuân, giải bóng chuyền, và gần đây là giải cầu lông, tất cả đều được anh tài trợ. Xin cám ơn những tấm lòng của những người con xa xứ, sống ở một chân trời khác, nhưng lòng luôn dõi bước thao thức về quê nhà”.
Cuộc hàn huyên tâm sự cũng đã vơi bớt tiếng nói cười. Bây giờ là lúc phải nhường lại cho chú vịt nấu chao lên tiếng cạp cạp chứ!
Lúc này đây, câu chuyện đã tản mạn sang những tâm tình riêng tư và bữa tiệc họp mặt cũng đang dần khép lại, nhưng trong lòng mỗi người lại mở ra những ấp ủ tình quê đầy lưu luyến, và “ra đi với mặt trời trong trái tim”.
Ảnh Trần Văn Hiền
Ghi nhận Châu Sơn Choa